Mối quan hệ giữa Samsung và AMD để chế tạo GPU cho Exynos có đang trên bờ vực sụp đổ?

ARM có thể là bên đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ này.

Năm ngoái, AMD và Samsung đã thông báo rằng họ đang đồng phát triển GPU ARM mới dựa trên kiến trúc RDNA2 cho vi xử lí Exynos. Theo dự kiến, Exynos 2200 ra mắt đầu năm nay cùng với dòng Galaxy S22 là vi xử lí đầu tiên sử dụng GPU mới. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể đang trên bờ vực sụp đổ; và chúng ta sẽ không thấy GPU AMD trên Exynos trong tương lai.

Theo một báo cáo từ SemiAnalysis, ARM đang thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của mình sau cuộc tranh cãi pháp lí dài hơi với Qualcomm. Mọi chuyện bắt đầu với việc Qualcomm mua lại Nuvia – hãng phát triển vi xử lí hiệu năng cao cho máy tính xách tay và máy chủ.

Nuvia được thành lập với các nhà thiết kế vi xử lí hàng đầu đến từ AMD, Apple, Broadcom và Google. Nhiều thông tin cho rằng khả năng thiết kế vi xử lí của Nuvia có thể sánh ngang với Apple và Nuvia có thể là thương hiệu thực sự thách thức Apple về cả hiệu năng và khả năng tiết kiệm năng lượng.

ARM được cho là đang thay đổi cách họ cấp phép thiết kế vi xử lí

Sau khi cuộc tranh chấp trên bắt đầu, ARM tuyên bố Qualcomm không có giấy phép cung cấp các sản phẩm (CPU, GPU, NPU và ISP) dựa trên công nghệ của ARM. ARM được cho là sẽ thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của họ.

Bắt đầu từ năm 2024, ARM sẽ không cấp phép thiết kế CPU của họ cho các công ti bán dẫn như Qualcomm theo Thỏa thuận cấp phép công nghệ nữa. Thay vào đó, ARM sẽ cấp phép trực tiếp công nghệ của họ cho các OEM (chẳng hạn như Apple, OPPO, Xiaomi, Samsung Electronics, vivo,…)

Tuy nhiên, theo tuyên bố phản đối của Qualcomm, họ có giấy phép sử dụng thiết kế của ARM sau năm 2025. Hơn nữa, giấy phép này được cho là cho phép Qualcomm có quyền gia hạn hợp đồng thêm vài năm nữa so với thời hạn thỏa thuận ban đầu.

Qualcomm tuyên bố rằng ARM đang nói sai với nhiều khách hàng của Qualcomm rằng cách duy nhất để sử dụng công nghệ ARM trong các thiết bị của họ là “chấp nhận giấy phép trực tiếp mới từ ARM mà họ trả tiền bản quyền dựa trên doanh số bán các sản phẩm của OEM.”

ARM có thể buộc các OEM điện thoại thông minh sử dụng GPU, NPU và ISP của ARM nếu họ muốn sử dụng thiết kế CPU của ARM

Với chiến lược cấp phép thiết kế vi xử lí trực tiếp mới như trên, họ bỏ qua các công ti như Qualcomm và Samsung Electronics, những hãng có thiết kế tùy chỉnh (CPU của ARM nhưng GPU và ISP được phát triển nội bộ hoặc bởi hãng khác). ARM đang có kế hoạch đóng tất cả các công nghệ của mình vào một gói duy nhất. Điều này có nghĩa là các thương hiệu phải sử dụng ISP, NPU, và GPU của ARM để sử dụng thiết kế CPU của họ.

Nếu vậy, Qualcomm không thể sử dụng ISP Spectra, GPU Adreno và NPU tùy chỉnh của riêng họ bên trong Snapdragon; Samsung Electronics không thể sử dụng GPU dựa trên kiến trúc RDNA2 bên trong Exynos; và Google sẽ không thể sử dụng TPU của họ bên trong Tensor. Tất cả sẽ phải sử dụng GPU, ISP và NPU của ARM nếu họ muốn phát triển vi xử lí mới với CPU của ARM.

Điều trên có thể buộc Samsung Electronics từ bỏ mối quan hệ hợp tác phát triển GPU với AMD

Nếu tất cả là đúng, điều trên trông giống như một hành vi chống cạnh tranh đến từ ARM. Qualcomm lập luận rằng ARM không thể thay đổi các điều khoản cấp phép hiện tại của họ trong vài năm nữa và không có quyền yêu cầu thêm tiền bản quyền từ khách hàng của Qualcomm. Thông tin này đến từ tài liệu phản tố của Qualcomm. Hiện ARM chưa công bố công khai kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh và điều khoản cấp phép của họ.

ARM cho rằng các tuyên bố phản đối của Qualcomm có nhiều điểm không chính xác và họ đang trong quá trình đưa ra phản hồi chính thức. Vì vậy, vẫn có khả năng ARM không thực hiện kế hoạch trên hay đưa ra điều khoản bổ sung mà OEM có thể sử dụng để thương lượng việc sử dụng các thành phần tùy chỉnh. Nhưng nếu là ngược lại, quan hệ đối tác của Samsung với AMD để phát triển GPU di động có thể chấm dứt; và Samsung buộc phải sử dụng GPU Mali của ARM.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: samcafe.vn