Samsung: Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của hãng trên toàn cầu

Hiện tại, các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ. Ngoài ra, Samsung khẳng định, Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Tập đoàn.

Đại diện Samsung Việt Nam đã chính thức bác bỏ một số thông tin của một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin không đúng về việc có thể chuyển một phần sản xuất smartphone sang Ấn Độ.

Samsung: Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của hãng trên toàn cầu

Hiện khoảng 50% điện thoại và máy tính bảng của Tập đoàn Samsung được sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: Lam Giang

Theo báo cáo của Tập đoàn này, Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là 17,363 tỷ USD. Trong đó, Samsung Điện tử Việt Nam được đầu tư 9,5 tỷ USD, bao gồm: 2,5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Bắc Ninh (SEV); 5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) và 2 tỷ USD đầu tư vào dự án Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Các công ty con của tập đoàn Samsung được đầu tư 7,863 tỷ USD bao gồm: 6,5 tỷ USD cho Samsung Display SDV tại Bắc Ninh; 133 triệu USD cho Samsung SDIV chuyên sản xuất pin điện thoại tại Bắc Ninh và 1,23 tỷ USD cho Samsung Điện Cơ SEMV tại Thái Nguyên

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) được thành lập từ năm 2012 có trụ sở chính tại Hà Nội. Trung tâm này không chỉ nghiên cứu và phát triển phần mềm điện thoại mà còn tham gia chuyển giao công nghệ tiên tiến đưa vào dây chuyền sản xuất tại 2 nhà máy lớn nhất tập đoàn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, góp phần vào thành công Samsung Việt Nam.

Hiện nay, Samsung Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, thủ đô Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.

Đây cũng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các Trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Qua đó, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho. Thủ tướng đánh giá cao việc Samsung đã khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quy mô lớn ở Hà Nội.

Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam

Hơn nữa, dù gặp nhiều khó khăn đến từ đại dịch COVID-19 nhưng Samsung Việt Nam vẫn bảo đảm sản xuất, kinh doanh, cam kết không giảm sản lượng và giữ nguyên mục tiêu xuất khẩu ở Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc, trong đó có Samsung làm ăn thành công tại Việt Nam.

Theo thống kê, tổng giá trị xuất khẩu của Samsung Điện tử và các công ty con của Samsung tại Việt Nam năm 2019 là khoảng 59 tỷ USD, đóng góp hơn 22% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (264,19 tỷ USD). Có 50% điện thoại và máy tính bảng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: baochinhphu.vn