Thái tử Samsung Lee Jae Yong: Cái giá phải trả hay chỉ là “con dê tế thần”?

Vụ xét xử đi vào lịch sử kinh tế Hàn Quốc cho thấy mối quan hệ trong bóng tối cũng như những mâu thuẫn lâu nay giữa chính phủ nước này với các tập đoàn công nghệ mà trong đó Samsung liên can nhiều nhất. Bản án dành cho Lee Jae Yong chính là một lời cảnh tỉnh rõ ràng.

Sau 6 tháng trời xét xử, cuối cùng Tòa án trung tâm quận Seoul đã ra bản án 5 năm tù dành cho người thừa kế của tập đoàn Samsung Lee Jae Yong với tội danh hối hộ và tham nhũng. Các luật sư của tập đoàn tất nhiên tuyên bố kháng án đến cùng.

Tuy nhiên, kết quả của phiên tòa còn cho thấy nhiều điều hơn thế. Mối quan hệ trong bóng tối bấy lâu giữa chính phủ và các siêu tập đoàn đã dần được hé lộ. Không chỉ vậy, nhìn rộng hơn, nó còn giúp chúng ta hiểu được những vấn đề chính trị đang gây sóng gió như thế nào cho các tập đoàn công nghệ. Những tập đoàn này, sau nhiều năm hưởng sự ưu đãi từ chính phủ và xây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong lòng công chúng, giờ đều phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng truyền thông.

Trường hợp của Lee Jae Yong có một điều đáng chú ý khác. Tại phiên tòa, các công tố viên đã không công bố các bằng chứng có thể đẩy gia tộc họ Lee vào đường cùng như: những dính líu của Samsung vào quỹ tổ chức Thế vận hội mùa đông Olympic 2018 của Hàn Quốc hay các khoản “ủng hộ” vào quỹ từ thiện của bà Choi Soon Sil. Còn Lee Jae Yong, ngập ngừng và cảm tính, trả lời rằng mình không nắm rõ và có ít quyền hành đối với các quyết định kinh doanh.

Lee Jae Yong trong phiên xét xử tại Tòa án Trung tâm quận Seoul

Tuy nhiên, thẩm phán Kim Jin Dong cho rằng, chỉ riêng những bằng chứng đã công bố cũng đủ cho thấy mối liên minh không mấy tốt đẹp giữa chính phủ và Samsung. “Người ta thất vọng vì nó không chỉ mới bắt đầu mà hóa ra đã tồn tại bấy lâu”, ông nói.

Bản án 5 năm tù có thể coi là phán quyết mang tính chính trị hơn là tính pháp lý. Phiên tòa xét xử Lee diễn ra trong cùng khoảng thời gian với cuộc phế truất bà tổng thống Park. Tổng thống hiện nay, ông Moon Jae In, chiến thắng nhờ tư tưởng cấp tiến, được sự ủng hộ của những người dân Hàn Quốc đang ngày càng cảm thấy mình trở thành nô lệ của Samsung và phẫn nộ khi khoảng cách bất bình đẳng trong thu nhập tăng cao với số tiền về túi các tập đoàn, tài phiệt, giới thương nhân ngày càng nhiều. Rõ ràng, sự bất mãn của dân chúng đối với quyền lực khuynh đảo của các tập đoàn công nghệ ngày càng cao và chính phủ không thể làm ngơ.

Ông Moon Jae In trong ngày đầu tiên đến Nhà Xanh – Phủ Tống thổng Hàn Quốc

Dù môi trường chính trị khác nhau, nhưng tại Mỹ, các ông lớn công nghệ cũng đang trải qua tình trạng tương tự khi Tổng thống Donal Trump bắt đầu để mắt tới Amazon vì trốn thuế, tới Apple vì thuê lao động ngoài ồ ạt và tới Google vì tư tưởng ủng hộ net neutrality (quy định về dữ liệu bình đẳng trên Internet).

Những hãng công nghệ lớn trên thế giới giờ đang thấy mình trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ mang tên “dân tuý” như vậy. Nhiều nhà hoạt động, và thậm chí cả một số chính trị gia thiếu suy xét đã vớ ngay lấy “những con dê tế thần” cho vấn đề khó giải quyết này.

Nhưng các công ty công nghệ cũng phải chịu trách nhiệm cho những lý tưởng đầy tính đạo đức giả của họ: tuyên bố sẽ tạo thêm việc làm nhưng hiệu suất của thứ công nghệ họ tạo ra lại đang xóa sổ nhiều ngành nghề, tuyên bố tạo ra động lực và phát triển nền kinh tế nhưng họ lại trốn thuế và hối lộ quan chức, tuyên bố tạo ra nền tảng để thúc đẩy sáng tạo nhưng lại dùng sức mạnh tài chính để trấn áp các startup công nghệ non trẻ.

Trường hợp của Samsung và chính phủ Hàn Quốc khá đặc biệt. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, “những con dê tế thần” như Lee Jae Yong thì không phải trường hợp hiếm và các ông lớn công nghệ cần cẩn thận để không trở thành nạn nhân của chính mình va thứ lý tưởng cùng hành động đầy mâu thuẫn nói trên.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo ictnews.vn)