Từ Sony đến Samsung, Nhật Bản đã để mất ngôi vương công nghệ vào tay Hàn Quốc như thế nào?

Nhật Bản từng thống trị ngành công nghệ toàn cầu. Các nhãn hàng xứ mặt trời mọc từng là lựa chọn hàng đầu của mọi người. Ngày nay, người ta thấy Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhiều hơn, che mờ các tên tuổi Nhật “vang bóng một thời”.

Theo Korea Times, vào giai đoạn những năm 1980, 1990, những người đi làm xa nhà ở Hàn Quốc tự hào khi có bên mình một chiếc Walkman. Máy nghe nhạc của Sony đã tạo ra cơn địa chấn trên toàn cầu vào thời gian đó. Ngày nay, hình ảnh đó hầu như đã biến mất, thay thế bằng chiếc smartphone màn hình lớn của Samsung hoặc Apple.

Một chặng đường dài của ngành công nghệ kể từ khi Sony vén màn chiếc máy nghe nhạc cầm tay mang tính cách mạng của họ, năm 1979. Sau đó là Apple ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên năm 2007, mở ra một thời đại mới của điện thoại màn hình cảm ứng. Rồi tới 2009, Samsung công bố Galaxy S, đối trọng suốt 10 năm qua của iPhone. Không hề nói quá nếu cho rằng, các tên tuổi Nhật Bản như Sony, Panasonic, Sanyo, Sharp, Toshiba đã từng thống trị thế giới.

Từ Sony đến Samsung, Nhật Bản đã để mất ngôi vương công nghệ vào tay Hàn Quốc như thế nào?

Nhật Bản từng thống trị thế giới công nghệ

Sony là cái tên nổi tiếng, đã lập hàng loạt dấu son đáng nhớ trong lịch sử của mình với các sản phẩm điện tử trải dài từ âm thanh cá nhân, máy quay phim, TV, máy tính cá nhân, máy chơi game. Còn Panasonic thì ghi dấu với đầu ghi DVD, đầu ghi Blu-ray, màn hình tinh thể lỏng, pin li-ion.

Tuy nhiên, ngành công nghệ chuyển dần sang kỷ nguyên kỹ thuật số vào đầu những năm 2000. Các gã khổng lồ Nhật Bản dần bộc lộ sự trược dốc. Và chỉ sau một thập kỷ chuyển đổi, họ bị Samsung hay Apple vượt qua. Nếu nói Sony không chuẩn bị gì cho thời đại mới là không đúng.

Vào năm 2001, hãng hợp tác với công ty Thụy Điển Ericsson cùng sản xuất smartphone. Thương hiệu Sony Ericsson cho ra lò hàng loạt các sản phẩm được yêu thích, giúp họ có được 9% thị phần toàn cầu năm 2007. Sau khi Apple ra mắt iPhone đầu tiên, Sony Ericsson tung ra mẫu điện thoại Xperia X1 chạy hệ điều hành Windows.

Từ Sony đến Samsung, Nhật Bản đã để mất ngôi vương công nghệ vào tay Hàn Quốc như thế nào?

Điện thoại Xperia dần mờ nhạt trước cái bóng Samsung Galaxy

Vào năm 2011, Sony quyết định thâu tóm liên doanh để tự mình kiểm soát hoạt động của mảng di động. Mục tiêu đặt ra khi ấy là giành lấy vị trí số 3 về thị phần, sau Apple và Samsung. Tại thời điểm ấy, Sony đã là hãng di động lớn thứ 4 thị trường, đủ khả năng cạnh tranh với iPhone và Galaxy S phân khúc cao cấp. Năm 2014, Xperia Z3, Z3 Compact đạt thành công vang dội, giúp hãng đạt đỉnh doanh số smartphone hơn 40 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, kể từ 2015 trở đi, mọi chuyện dần chuyển biến xấu với công ty Nhật Bản. Sự thiếu hụt đổi mới và phần mềm bị đánh giá tụt lại sau Samsung, Apple, khiến điện thoại Sony dù có mức giá cao nhưng lại mất dần sức hấp dẫn trên phân khúc cao cấp. Mọi chuyện tệ hơn khi kể từ 2016, các hãng Trung Quốc bắt đầu nổi dậy, khiến thị phần điện thoại Sony cứ teo tóp cho đến bây giờ.

Ở thị trường truyền hình, Sharp đã bị Samsung và LG đeo bám từ giữa những năm 2000. Sharp được xem là hãng tiên phong về màn hình LCD, sản xuất TV LCD từ rất sớm. Tuy nhiên, họ nhanh chóng bị Samsung và LG giành thị phần khi hai công ty này dốc sức vào màn hình LCD cỡ lớn. Lúc này, Sharp chuyển hướng sang màn hình di động với hy vọng tiến bộ công nghệ sẽ giúp duy trì vị thế.

Từ Sony đến Samsung, Nhật Bản đã để mất ngôi vương công nghệ vào tay Hàn Quốc như thế nào?

Giờ thì Samsung và LG là hai hãng TV lớn nhất thế giới, cái tên Nhật Bản cao nhất chỉ đứng vị trí thứ 5 là Sony

Rồi đến 2006, Samsung chính thức soán ngôi Sharp ở thị trường TV toàn cầu. Trong khi một đồng hương khác là Sony vì quá bảo thủ với công nghệ CRT cũng để mất dần thị trường. Sau 10 năm kể từ khi bị Samsung đánh bại, Sharp thua lỗ nặng nề và không còn cách nào khác ngoài bán mình. Sự kiện công ty Nhật Bản hơn trăm năm tuổi bị tập đoàn Đài Loan Foxconn mua lại đã gây chấn động.

Các công ty bán dẫn như Toshiba, Hitachi, NEC và Fujitsu đã dẫn đầu thị trường chip toàn cầu cho đến khoảng 1980. Họ chiếm hơn một nửa toàn thị trường trong khi Samsung chỉ có 12% thị phần cho đến 1990, tụt sau Toshiba. Nhưng nhờ đầu tư mạnh tay vào công nghệ xếp chồng bộ nhớ DRAM kiểu mới – 37 triệu USD năm 1991 và gần gấp đôi số tiền đó năm 1992 – Samsung đã giành lấy vị trí số 1 toàn cầu năm 1992. Hầu hết các ông lớn Nhật Bản đều gặp khó khăn với vấn đề tài chính sau đó, nên dần dần rút lui khỏi ngành này.

Từ Sony đến Samsung, Nhật Bản đã để mất ngôi vương công nghệ vào tay Hàn Quốc như thế nào?

Samsung và SK Hynix đồng thời cũng chiếm luôn ngôi đầu ở thị trường DRAM và NAND flash

Mặc dù chỉ là kẻ đến sau so với Mỹ và Nhật, Samsung không ngừng đầu tư cho công nghệ mới như bộ nhớ NAND bất chấp nhu cầu thị trường suy yếu. Nhờ thế, năm 2002 họ tiếp tục giành vị trí dẫn đầu thị trường NAND toàn cầu. Đánh dấu sự thống trị của Hàn Quốc ở thị trường chip nhớ cho đến nay.

Ở hàng loạt sản phẩm khác như tủ lạnh, máy giặt, tấm nền LCD và OLED,… người ta cũng thấy Hàn Quốc vượt mặt Nhật Bản. Những logo biểu tượng một thời như Sony, Panasonic, Toshiba, Sharp,… dần vắng bóng trong các hộ gia đình, thay vào đó là sản phẩm của Samsung và LG. Ánh hào quang của giới công nghệ đã chuyển dần từ Sony sang Samsung, từ Nhật Bản sang Hàn Quốc.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo vnreview.vn)