Năm 2019, smartphone Android của bạn cần bao nhiêu RAM là đủ?

Những năm vừa qua, ngành di động chứng kiến ​​quá trình nâng cấp liên tục về vi xử lý, chất lượng camera, bộ nhớ trong và nhiều yếu tố khác trên smartphone. Hầu hết trong số đó là cần thiết và được người dùng đón nhận. Tuy nhiên, theo quan điểm của cây viết Gary Sims trên trang Android Authority, có một cuộc chiến đã bước vào giai đoạn vô nghĩa: Tăng RAM.

Quay trở lại những ngày đầu, smartphone Android có dung lượng RAM khiêm tốn từ 512 MB đến 1 GB. Theo thời gian, con số này ngày càng tăng lên.

Vào năm 2014, hầu hết smartphone cao cấp đều có RAM 3 GB. Sang năm 2016 và 2017, RAM 4 GB đã trở thành tiêu chuẩn. Kể từ đó đến nay, các thiết bị có RAM 6 GB, 8 GB, 10 GB rồi 12 GB đã lần lượt xuất hiện. Một câu hỏi được đặt ra: Bao giờ thì cuộc đua này kết thúc?

Biểu đồ mô tả quá trình tăng RAM trên smartphone (đường màu đỏ là mức RAM tối đa, đường màu cam là mức RAM trung bình)

Thực tế, chúng ta nên tự hỏi mình thực sự cần bao nhiêu RAM. Gary có một chiếc laptop đang chạy Windows 10 mượt mà với 4 GB RAM và một chiếc Macbook có 8 GB RAM chạy tốt các ứng dụng nặng như Premiere Pro hay Photoshop.

Vậy, tại sao một chiếc điện thoại nhỏ bé lại cần nhiều RAM hơn cả máy tính xách tay dù chỉ thực hiện những tác vụ nhẹ hơn?

Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về việc điện thoại thông minh Android cần bao nhiêu RAM. Đặt sự chủ quan ​​sang một bên, điều chúng ta cần là một cái nhìn khách quan và có tính khoa học về vấn đề này. Hãy cùng theo dõi tiếp những nhận định của Gary để có câu trả lời thỏa đáng.

Trước tiên, hãy tìm hiểu cách Android quản lý RAM

Khi một quá trình yêu cầu thêm RAM và lượng RAM cần thiết không sẵn có, kernel (nhân hệ điều hành) sẽ cố gắng giải phóng một số RAM, tức là đóng một quy trình hiện có để nhường chỗ cho một quy trình mới.

Điều đó có nghĩa là khi bạn mở một ứng dụng mới trong tình trạng thiếu RAM, ứng dụng cũ có thể sẽ bị xóa khỏi bộ nhớ – nếu bạn quay lại thì nó sẽ được tải lại từ đầu, đặc biệt là những ứng dụng bạn đã nhiều ngày không đụng đến (kernel sẽ dựa vào yếu tố này để thực hiện việc giải phóng RAM).

Ngược lại, nếu RAM vẫn còn đủ, bạn có thể mở ứng dụng cũ từ nơi nó đã dừng lại sau khi mở ứng dụng mới. Ví dụ, bạn thoát Asphalt 9 lúc xe chuẩn bị vào cua, bạn sẽ được đưa đến đúng thời điểm này trong game khi mở lại, không phải chờ đợi các cảnh nhập game, chọn đường đua, chọn xe… Đó là cách Android được thiết kế.

Ứng dụng sử dụng bao nhiêu RAM?

Nếu việc thiếu RAM dẫn đến xóa ứng dụng khỏi bộ nhớ diễn ra quá thường xuyên, trải nghiệm người dùng sẽ bị ảnh hưởng. Trường hợp xấu nhất là mỗi khi bạn khởi chạy một ứng dụng mới, ứng dụng trước đó sẽ bị “giết” để nhường vị trí.

Tuy nhiên, Gary lưu ý một chi tiết: Nếu ứng dụng bị xóa khỏi bộ nhớ đã quá “cũ”, tức người dùng đã lâu không đụng đến, họ có thể sẽ không nhận ra nó đã bị giải phóng. Trong trường hợp này, trải nghiệm người dùng gần như không thay đổi.

Gary đã viết một tiện ích để theo dõi việc loại bỏ ứng dụng cùng với lượng bộ nhớ khả dụng và xem xét các ứng dụng đang chạy sử dụng bao nhiêu RAM. Kết quả anh thu được là một danh sách gồm ba loại ứng dụng như sau:

– Thứ nhất là các ứng dụng “tiêu chuẩn” sử dụng từ 130 MB đến 400 MB RAM như YouTube, WhatsApp, game nhẹ như Crossy Road và Candy Crush.

– Thứ hai là các ứng dụng chuyên về truyền thông vốn thường tải rất nhiều hình ảnh nên cần sử dụng nhiều bộ nhớ hơn để hiển thị: Google Photos và Instagram. Chúng sử dụng từ 400 MB đến 700 MB RAM.

– Cuối cùng là những ứng dụng “ngốn” RAM như uống nước lã, thường là game nặng, chẳng hạn như Need for Speed: No Limits, PUBG Mobile (sử dụng từ 800 MB đến 1152 MB RAM). Trình duyệt Chrome (với 3 tab đang mở) cũng nằm trong danh mục này.

Dung lượng RAM được sử dụng trên thiết bị của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào ứng dụng bạn đang chạy. Nếu chỉ thích lướt Instagram và chơi Candy Crush thì bạn sẽ chỉ sử dụng hơn 1 GB RAM. Nếu bạn chuyển đổi giữa PUBG và Asphalt 9 cả ngày, bạn sẽ cần 2 GB.

Bên cạnh đó, số liệu ở nửa bên phải bảng thống kê cho biết: Nếu là người dùng bình thường, bạn sẽ cần RAM hơn 2 GB. Nếu dùng nhiều các ứng dụng truyền thông – mạng xã hội, bạn cần khoảng 3 GB. Còn nếu chơi game nặng, bạn cần đến gần 5 GB RAM.

Điện thoại của bạn có bao nhiêu RAM?

RAM là bộ phận hàn chết bên trong điện thoại, không thể nâng cấp. Dung lượng RAM của mỗi thiết bị đều được các nhà sản xuất cung cấp, hoặc bạn cũng có thể tự xem trong phần cài đặt. Tuy nhiên, do hầu hết các hãng đều tùy biến Android theo cách riêng (có thể cài sẵn nhiều ứng dụng), dung lượng RAM sẵn có để cài đặt và mở ứng dụng của mỗi máy sẽ khác nhau.

Dưới đây là bảng thống kê về RAM của một số thiết bị. Có một điểm bạn cần lưu ý: SWAP. SWAP là một vùng không gian sử dụng ROM (bộ nhớ trong) hoặc thẻ nhớ ngoài làm nơi chứa tạm thời của các tài nguyên đang không hoạt động trong bộ nhớ RAM.

Bảng trên cho biết bao nhiêu RAM đã dùng để cài đặt ứng dụng và bộ nhớ khả dụng (available memory – dung lượng bộ nhớ sẵn có để khởi chạy ứng dụng mới mà không phải đưa ứng dụng cũ vào vùng SWAP) còn lại của mỗi smartphone.

Như bạn có thể thấy, Huawei Mate 8, Google Pixel 3 XL và Samsung Galaxy Note 8 dùng khoảng 50% RAM cho người dùng, trong khi tỷ lệ của Samsung Galaxy Note 9 và OnePlus 6T là 66%.

Mate 8 sử dụng 0.5 GB cho vùng SWAP trong khi Note 8 sử dụng 2.5 GB vào mục đích tương tự. Rất thú vị khi OnePlus tự tin vào khả năng của 8 GB RAM trên chiếc 6T và không sử dụng bất kỳ không gian SWAP nào.

Ngoài ra, Pixel 3 XL, Galaxy Note 8 và Galaxy Note 9 đã sử dụng lần lượt 8 MB, 34 MB và 266 MB cho vùng SWAP sau khi khởi động lại máy (reboot).

Vậy, điện thoại có bao nhiêu RAM là đủ?

Một thiết bị như Pixel 3 XL (với 4 GB RAM) có thể chứa ít nhất 5 ứng dụng “tiêu chuẩn” (thuộc nhóm 3 loại ứng dụng nêu ở trên) trong bộ nhớ mà không bị đưa vào vùng SWAP, nghĩa là bạn có thể thoải mái chuyển đổi giữa YouTube, WhatsApp, Spotify, Candy Crush và Google Play.

Nếu bạn khởi động nhiều ứng dụng hơn thì Pixel 3 XL sẽ bắt đầu sử dụng không gian SWAP. Lúc này, bạn có thể chạy 8 ứng dụng “tiêu chuẩn”, giữ chúng trong bộ nhớ và không gian SWAP, nếu mở nhiều hơn nữa, một trong những ứng dụng trước đó sẽ bị loại bỏ khỏi bộ nhớ.

Galaxy Note 8 và Galaxy Note 9 có 6 GB RAM với khoảng 2.5 GB khả dụng cho người dùng trên Note 8 và 3.5 GB trên Note 9. Cả 2 thiết bị đều có ít nhất 2 GB dung lượng cho vùng SWAP. Như vậy, bạn có thể chuyển đổi giữa một game nặng (hoặc trình duyệt Chrome), một ứng dụng truyền thông (như Instagram) cùng 5 ứng dụng “tiêu chuẩn” trở lên và tất cả sẽ được giữ trong bộ nhớ.

Thực tế, những điện thoại với 6 GB RAM có thể chuyển đổi giữa cả tá ứng dụng (hoặc thậm chí nhiều hơn), trong đó bao gồm một vài ứng dụng nặng mà không gặp tình trạng tải lại, giúp người dùng có được trải nghiệm đa nhiệm mượt mà, liền mạch trong hầu hết thời gian.

Vì vậy, Gary cho rằng 8 GB là điểm giới hạn dành cho RAM điện thoại.

RAM nhiều hơn 8 GB là vô nghĩa

RAM lớn hơn 8 GB không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa cho smartphone. Chỉ với 3 GB RAM trên chiếc Mate 8, chúng ta vẫn có thể giữ được đồng thời nhiều ứng dụng trong bộ nhớ. Khả năng quản lý ứng dụng của điện thoại càng tăng lên với 4 GB, 6 GB rồi 8 GB RAM.

Tuy nhiên, 10 GB, 12 GB hay 16 GB RAM là những con số vô giá trị. Chúng làm tăng giá bán sản phẩm một cách đáng kể nhưng mang lại ít lợi ích hoặc thậm chí vô ích với người dùng.

Kết

Rất có thể, chúng ta sẽ thấy điện thoại có nhiều hơn 8 GB RAM phổ biến trong năm 2019. Cá nhân Gary muốn người dùng tẩy chay bất kỳ thiết bị di động nào có RAM lớn hơn 8 GB.

Anh mong muốn các nhà sản xuất hành động hợp lý hơn, dừng cuộc đua tăng RAM lại và tập trung vào các khía cạnh khác có giá trị hơn trên điện thoại thông minh.

Còn bạn, bạn có suy nghĩ như thế nào về quan điểm của Gary? Bạn cho rằng điện thoại cần bao nhiêu RAM là đủ, hay cứ càng nhiều thì càng tốt? Cùng chia sẻ dưới phần bình luận nhé.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo thegioididong.com)