Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Có lẽ bạn đang cho rằng giá của dòng điện thoại Galaxy S chỉ có tăng qua từng năm. Nhưng đó không phải là sự thật. Dù bạn có tin hay không, có một vài thời điểm mà giá của thế hệ sau thực chất lại rẻ hơn thế hệ trước. Năm 2021 chính là ví dụ điển hình nhất.

Nếu nhìn lại chặng đường phát triển của dòng Galaxy S trong vòng 11 năm qua, bạn sẽ nhận thấy rất nhiều điều thú vị về cách mà Samsung định giá sản phẩm của mình.

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Dòng sản phẩm Galaxy S.

Trong bài viết này, SamNews sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những dòng Galaxy S đã được ra mắt từ trước đến nay, kèm theo đó là mức giá niêm yết của sản phẩm. Ở cuối bài, chúng tôi còn cung cấp một biểu đồ trực quan thể hiện sự thay đổi của mức giá theo thời gian.

Lưu ý rằng chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những phiên bản chính. Tức là các phiên bản phụ (ví dụ như bản Mini của năm 2010) sẽ không được nói đến. Chúng tôi cũng bỏ qua các phiên bản Lite, Fan Edition, Active,… mà chỉ tập trung vào dải sản phẩm chính.

Samsung Galaxy S: $399 (~9.199.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Phiên bản đầu tiên của dòng Galaxy S có rất nhiều tên gọi khác nhau: Samsung Galaxy Proclaim, Galaxy S Showcase, Galaxy Vibrant 4G, Galaxy S Captivate,… Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ gọi chiếc điện thoại này với cái tên Galaxy S đơn giản và gần gũi. Và đây cũng là nơi mà cuộc hành trình bắt đầu.

Ở Mĩ những năm 2010, bạn sẽ rất khó để có thể tìm được một chiếc điện thoại không khóa mạng. Thay vào đó, bạn phải tìm đến một nhà mạng và mua điện thoại từ họ. Chi phí mua điện thoại sẽ được chia đều và tính vào hóa đơn điện thoại hàng tháng của bạn. Cho nên rất khó để có thể xác định mức giá chính xác của Galaxy S bởi vì mỗi nhà mạng lại bán với một mức giá khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp lại tất cả các giá bán, chúng tôi đã xác định được mức giá trung bình của máy vào khoảng $399 vào thời điểm đó. Tức là tương đương với ~$417 (6,169,000₫) ở thời điểm hiện tại. Nhìn sơ qua, bạn sẽ nghĩ đây là một mức giá quá hời khi so với các dòng điện thoại flagship ngày nay, nhưng thực ra chi phí sản xuất chiếc điện thoại này khá rẻ, và nó cũng thiếu nhiều công nghệ tiên tiến thời đó.

Samsung Galaxy S2: $549 (~12.669.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Có thể nói Galaxy S là một thành công lớn đối với Samsung, nên rất nhiều người dùng hào hứng khi Samsung ra mắt thiết bị kế nhiệm của chiếc điện thoại này. Điều thú vị là, Samsung tung ra rất nhiều phiên bản với thông số kĩ thuật hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có cùng tên là Galaxy S2. Tức là nếu bạn mua máy từ AT&T, thì chiếc máy của bạn hoàn toàn khác so với máy mà nhà mạng T-Mobile bán, mặc dù đều có tên là Galaxy S2.

Nhưng sự rối rắm trong việc đặt tên không thể ngăn Galaxy S2 thành công. Thậm chí thiết bị này còn phổ biến hơn cả bản tiền nhiệm, góp phần giúp củng cố vị thế của Samsung trong ngành điện thoại toàn cầu.

Vào năm 2011, vẫn rất khó để bạn có thể tìm ra được một chiếc điện thoại không khóa mạng ở Mĩ. Do giá điện thoại đã được giấu trong các bản hợp đồng với nhà dịch vụ, cho nên người dùng không thể biết được mức giá niêm yết của Galaxy S2 đã tăng lên đến $549. Không lâu sau đó, các nhà chức trách đã buộc các nhà mạng phải công bố rõ ràng mức giá của thiết bị với người dùng.

Samsung Galaxy S3: $599 (~13.129.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S3. Ảnh: Android Authority.

Nhờ Galaxy S2, Samsung đã nhanh chóng trở thành “ông vua” trong ngành công nghiệp điện thoại. Đặc biệt, trong quý 3 năm 2011, lần đầu tiên sản lượng thiết bị Galaxy S bán ra của công ty đã vượt mặt cả Apple. Samsung đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ và cho ra mắt Galaxy S3 – một trong những chiếc điện thoại được yêu thích nhất thời đại.

Giờ đây, Samsung đã không phát hành nhiều chiếc điện thoại khác nhau dưới cùng một tên nữa. Galaxy S3 sẽ trông rất giống nhau dù bạn mua ở đâu. Tuy các thông số phần cứng vẫn còn sự khác biệt, nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Mặc dù thông số kĩ thuật lẫn thiết kế đều được nâng cấp rất mạnh mẽ, giá của Galaxy S3 không tăng nhiều so với thiết bị tiền nhiệm, chỉ khoảng $599 vào năm 2012.

Samsung Galaxy S4: $649 (~14.969.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S4. Ảnh: Android Authority.

Theo thống kê, Galaxy S4 là chiếc điện thoại Android có sản lượng bán ra lớn nhất hiện nay, với con số lên đến hơn 80 triệu chiếc. Chỉ có một điện thoại Android khác có thể tiệm cận với con số này, đó là người tiền nhiệm của nó – Galaxy S3. Ngay cả iPhone 5S của Apple vào thời điểm đó cũng chỉ bán được có 52 triệu chiếc.

Một lần nữa, giá của dòng Galaxy S mới lại tăng, nhưng rất ít người dùng Mĩ biết nó có giá $649. Mặc dù lúc này việc mua bản không khóa mạng đã dễ dàng hơn rất nhiều, phần lớn người dùng Mĩ vẫn trung thành với kiểu tiêu dùng cũ.

Giá của Galaxy S4 chỉ được nhiều người biết đến hơn vào mùa hè năm 2013. Lúc đó, Samsung và Google đã hợp tác với nhau để tung ra phiên bản đặc biệt Google Play Edition. Phiên bản đặc biệt này sử dụng Android gốc và một trình bootloader có thể mở khóa được. Có nhiều người đánh giá cao điều này, đặc biệt là những ai ghét giao diện TouchWiz của Samsung. Nhưng quá trình hợp tác đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, khiến nhiều người thất vọng.

Samsung Galaxy S5: $649 (~14.969.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S5. Ảnh: Android Authority.

Như bạn có thể thấy, cho đến hiện tại, giá của dòng Galaxy S chỉ có tăng. Galaxy S5 là chiếc máy đầu tiên thuộc dòng Galaxy S có mức giá ngang với thiết bị tiền nhiệm – $649.

Mặc dù thông số vẫn giữ nguyên, máy có rất nhiều tính năng mới. Thông số của thiết bị cũng được nâng cấp rất nhiều. Một vài điểm mới nổi bật có thể kể đến như cảm biến vân tay tích hợp vào phím Home, bộ xử lí Qualcomm Snapdragon 801 và camera sau với độ phân giải 16MP.

Nhưng bấy nhiêu nâng cấp là chưa đủ để khiến doanh số Galaxy S5 bùng nổ. Máy có vẻ ngoài rất giống với Galaxy S4 khiến người dùng không mấy mặn mà. Vì lí do này, Samsung đã làm một cuộc đại tu thiết kế cực lớn vào năm 2015.

Dòng Samsung Galaxy S6: $649 – $799 (~ 14.969.000₫-18.429.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S6 và S6 Edge. Ảnh: Android Authority.

Đây là năm thứ ba Samsung không thay đổi giá bán của dòng Galaxy S của mình. Đồng thời cũng là lần đầu tiên hãng cung cấp các phiên bản cao cấp hơn: Galaxy S6 Edge và S6 Edge Plus.

Về cơ bản, Galaxy S6 Edge tương tự như S6 nhưng được trang bị màn hình cong tràn 2 bên. Nhưng chỉ với yếu tố đó đã khiến máy đắt hơn tới $100 so với phiên bản tiêu chuẩn, với giá bán chính thức là $749 (~17.279.000₫). Không dừng lại ở đó, vài tháng sau, Samsung lại tung ra Galaxy S6 Edge Plus với mức giá lên đến $799 (~18.429.000₫).

Để có thể trang bị thiết kế mới, Samsung đã đánh đổi rất nhiều tính năng khác mà người dùng yêu thích. Máy đã không còn có khe cắm thẻ nhớ microSD, không có chuẩn kháng nước IP68, và pin cũng không thể tháo rời như người tiền nhiệm nữa.

Điều đó khiến cho doanh số của Galaxy S6 khá thấp, khiến hãng đã giảm giá máy xuống còn $579 (~13.359.000₫) không lâu sau khi ra mắt. Đó cũng là lần đầu tiên Samsung điều chỉnh giá bán của một chiếc điện thoại Galaxy S khi máy vẫn còn đang ở giữa vòng đời. Nhưng đấy không phải là lần cuối cùng.

Dòng Samsung Galaxy S7: $669 – $769 (~ 15.429.000₫-17.739.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S7 Edge. Ảnh: Android Authority.

Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge là cú hích mới của Samsung sau doanh số ảm đảm của Galaxy S6. Cả hai thiết bị bị đều có thiết kế sang trọng của người tiền nhiệm, nhưng còn được trang bị thêm các tính năng mà Samsung đã bỏ đi trên dòng Galaxy S6 – khe cắm thẻ nhớ microSD và chuẩn chống nước IP68.

Do đó, dòng Galaxy S mới này cũng có sự tăng nhẹ về giá. Galaxy S7 có giá bán chính thức là $699. Phiên bản cao cấp hơn Galaxy S7 Edge là $769, tức là vẫn cao hơn $100 so với phiên bản tiêu chuẩn.

Nhưng những nỗ lực của Samsung vẫn không khiến cho doanh thu của các thiết bị này được như mong đợi của họ. Điều này, một lần nữa, buộc hãng phải giảm giá của cả hai chiếc điện thoại vào giữa vòng đời của chúng.

Dòng Samsung Galaxy S8: $749 – $849 (~ 17.279.000₫-19.589.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S8. Ảnh: Android Authority.

Trong năm 2017, Samsung đã thực hiện một nước đi khôn ngoan. Loại bỏ thương hiệu “Edge”, thay vào đó là dùng từ “Plus” cho phiên bản cao cấp hơn. Biệt danh “Plus” giúp thể hiện rõ ràng đây là phiên bản cao cấp hơn so với phiên bản tiêu chuẩn, và đó cũng là lí do tại sao thiết bị này có giá cao hơn.

Ngoài ra, Galaxy S8 cũng có một thiết kế hoàn toàn mới. Samsung đã loại bỏ phím home ở mặt trước, đồng thời chuyển cảm biến vân tay ra sau mặt lưng của thiết bị. Từ đó cho phép màn hình có thể chiếm trọn mặt trước của điện thoại (tuy vẫn còn hai viền trên dưới khá dày). Do có thiết kế mới, Samsung đã tự tin đẩy giá Galaxy S8 lên $749.

Sau đó, mọi chuyện dường như diễn ra đúng dự tính của họ. Samsung đã không cảm giảm giá dòng Galaxy S8 giữa chừng nữa. Sự thất bại của Galaxy Note 7 cũng là một yếu tố khiến cho nhu cầu với dòng Galaxy S8 tăng cao.

Dòng Samsung Galaxy S9: $719 – $839 (~ 16.589.000₫-19.349.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S9. Ảnh: Android Authority.

Thiết kế của Galaxy S9 trông không khác gì nhiều so với thiết bị tiền nhiệm, ngoài việc cảm biến vân tay được được chuyển từ bên cạnh phải camera xuống bên dưới camera. Đối với Galaxy S9 Plus, máy có thêm một camera thứ hai. Đây cũng là cột mốc đánh dấu kỉ nguyên nhiều camera trên dòng Galaxy S.

Có thể bởi vì thiết kế không có gì mới mẻ, Samsung đã giảm giá phiên bản cơ bản xuống còn $719, trong khi phiên bản “Plus” cũng được giảm giá còn $839. Do có sự khác biệt về camera, Samsung đã nâng khoảng chênh giá của hai phiên bản lên $120 so với $100 ở thế hệ trước.

Dòng Samsung Galaxy S10: $749 – $1.299 (~ 17.279.000₫-29.969.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S10 và S10e. Ảnh: Android Authority.

Năm 2019 là năm đánh dấu lần đầu tiên dòng Galaxy S có đến bốn phiên bản cùng một lúc. Hai phiên bản chính vẫn được gọi với cái tên thân thuộc là Galaxy S10 và Galaxy S10 Plus, với giá lần lượt là $899 (~20.739.000₫) và $999 (~23.049.000₫).

Ngoài ra, Samsung còn tung ra một phiên bản có kích thước nhỏ hơn, được gọi là Galaxy S10e, với giá $749 (~17.279.000₫). Cuối cùng, chúng ta có Galaxy S10 5G với giá lên đến $1.299 (~29.969.000₫). Đây là phiên bản cao cấp nhất của dòng Galaxy S10, và cũng có thể nói cũng là tiền thân của Galaxy S20 Ultra.

Vào năm tiếp theo, khi tung ra các thiết bị kế nhiệm, Samsung vẫn tiếp tục sản xuất dòng Galaxy S10 nhưng chúng đã có mức giá bán rẻ hơn. Đây là một cách khá thông minh, giúp hãng lôi kéo những người có ngân sách hạn hẹp đến với dòng Galaxy S.

Dòng Samsung Galaxy S20: $999 – $1.399 (~ 23.049.000₫-32.269.000₫)

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Galaxy S20 Ultra. Ảnh: Android Authority.

Dòng Galaxy S10 trải rộng trên nhiều phân khúc, bắt đầu với Galaxy S10e với mức giá $749 và kết thúc với Galaxy S10 5G có mức giá $1399. Với dòng Galaxy S20, Samsung đã từ bỏ phân khúc cận cao cấp và chỉ đánh mạnh vào phân khúc cao cấp mà thôi. Khi ra mắt, chiếc điện thoại rẻ nhất là Galaxy S20 đã có giá lên đến $999 (23.049.000₫), tiếp theo đó là Galaxy S20 Plus với giá $1.199 (~27.659.000₫).

Đặc biệt, Galaxy S20 Ultra có mức giá kịch trần lên đến $1.399 (32.269.000₫). Đây là chiếc điện thoại không phải màn hình gập đắt nhất mà Samsung từng tạo ra. Ngoài ra, Samsung còn có bán bản có RAM và bộ nhớ nhiều hơn với mức giá chạm ngưỡng $1.599 (~36.889.000₫).

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Samsung đã nhận ra đây là một hướng đi hoàn toàn tai lầm. Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến cho rất nhiều người mất việc, khiến họ không thể chi trả một số tiền lớn đến như thế cho một chiếc điện thoại. Do đó, không có gì bất ngờ khi doanh thu của Galaxy S20 khá ảm đạm.

Và Samsung đã không mắc lại sai lầm này trong năm 2021.

Dòng Samsung Galaxy S21: $799 – $1199 (~ 18.429.000₫-27.659.000₫)

Người dùng Galaxy S đời cũ có nên lên đời Galaxy S21 series?

Samsung Galaxy S21 series. Ảnh: Android Authority.

Do mức giá quá cao mà Samsung Galaxy S20 không thu hút được người dùng. Samsung đã nhanh chóng sửa chữa sai lầm đó bằng cách giảm mạnh giá bán của dòng Galaxy S21, đi kèm với đó là một vài đánh đổi.

Galaxy S21 phiên bản tiêu chuẩn có giá $799 (~18.429.000₫). Với mức giá này, bạn sở hữu cho mình một chiếc máy chạy chip Exynos 2100 mới nhất, cùng với đó là dung lượng RAM và bộ nhớ trong khá lớn, cụm ba camera sau với thuật toán cao cấp, và sẽ thật thiết sót nếu không nói đến thiết kế hoàn toàn mới trông rất mới mẻ và sang trọng.

Riêng với chiếc điện thoại Galaxy S21 Ultra, mọi tính năng cao cấp nhất đều được giữ nguyên nhưng giá giảm chỉ còn $1.199 (~27.659.000₫).

Chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết liệu mức giá mới của dòng Galaxy S21 có hợp lý hay không. Hy vọng quyết định lần này của Samsung là chính xác.

Bức tranh toàn cảnh về giá của dòng Galaxy S

Dưới đây là biểu đồ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về sự thay đổi giá bản của dòng Galaxy S trong vòng 11 năm qua. Nhìn chung, giá bán tăng dần đều theo thời gian, nhưng cũng có lúc giảm nhẹ. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy được sự khác biệt rất lớn về mức giá niêm yết của năm ngoái với năm nay.

Giá của dòng Galaxy S thay đổi thế nào qua từng năm?

Biểu đồ giá dòng Galaxy S. Màu xanh lam là các mẫu cơ bản, xanh lá là Edge/Plus, màu vàng là 5G/Ultra. Ảnh chụp màn hình.

Mặc dù không thể nói trước được điều gì về tương lai, nhưng nếu đại dịch vẫn hoành hành như hiện tại, rất khó để Samsung sẽ tăng giá các dòng Galaxy S tương lai lên tương đương với dòng S20 năm ngoái, trừ khi nền kinh tế thế giới phục hồi một cách kì diệu sau đại dịch.

Nhìn chung, cái thời bạn có thể mua điện thoại Galaxy S bản tiêu chuẩn với giá $700 đã qua rất xa rồi. Thay vào đó, bạn có thể chọn mua Galaxy S20 Fan Edition mới của Samsung. Doanh số của dòng này cũng hiện tại rất tốt nên có thể hãng sẽ còn cho ra mắt các thiết bị kế nhiệm. Hãy cùng chờ xem Samsung sẽ mang đến cho chúng ta những điều gì trên dòng Galaxy S21 FE năm nay nhé.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: samcafe.vn