Công nhân Samsung tại Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của sự suy giảm nhu cầu điện tử toàn cầu

Theo báo cáo từ Reuters, Samsung Việt Nam đã giảm quy mô vận hành của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của họ ở Thái Nguyên trong lúc các kho hàng và nhà bán lẻ phải vật lộn với lượng hàng tồn kho đang tăng cao do nhu cầu tiêu dùng giảm trên toàn cầu.

Các kho hàng lớn nhất ở Mỹ đã đầy. Các nhà bán lẻ lớn ở đây như Best Buy và Target Corp. cũng cảnh báo doanh số bán hàng sẽ giảm khi người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn sau đợt chi tiêu lớn đầu thời hậu COVID.

Theo chính phủ Việt Nam, hậu quả đã có thể được cảm nhận rõ ở tỉnh Thái Nguyên – nơi đặt một trong hai cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Việt Nam.

Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp Hoa Kì đang tăng lên do người tiêu dùng ít chi tiêu hơn.

Theo Samsung – công ty xuất xưởng 270 triệu điện thoại vào năm 2021, nhà máy của họ ở Thái Nguyên có thể cho ra khoảng 100 triệu điện thoại thông minh mỗi năm.

“Chúng tôi chỉ làm việc ba ngày mỗi tuần, một số dây chuyền đang điều chỉnh sang làm việc bốn ngày một tuần thay vì sáu ngày như trước đây và tất nhiên là không cần làm thêm giờ. Các hoạt động kinh doanh thậm chí còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong khoảng thời gian này vào năm ngoái khi đợt bùng phát COVID-19 đang ở đỉnh điểm. Bây giờ nó thật hẩm hiu.” Công nhân Phạm Thị Thương cho biết.

Hiện không biết Samsung có đang chuyển việc sản xuất sang các cơ sở khác để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của nhà máy của họ ở Việt Nam hay không. Công ty còn có nhà máy được đặt ở Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo báo cáo, hiện Samsung không có dự định giảm mục tiêu sản xuất hàng năm tại Việt Nam. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tương đối lạc quan về nhu cầu mua điện thoại trong nửa cuối năm nay. Trong cuộc họp báo thu nhập vào tuần trước, họ cho biết sự gián đoạn nguồn cung đã gần như được giải quyết và nhu cầu sản xuất sẽ không thay đổi hoặc thậm chí tăng trưởng một con số.

Samsung đang đặt mục tiêu doanh số bán điện thoại màn hình gập trong nửa cuối năm nay cao hơn Galaxy Note – dòng điện thoại cao cấp vừa bị khai tử. Các mẫu điện thoại màn hình gập mới sẽ được công bố vào ngày 10 tháng 8 sắp tới đây.

Nhưng hàng chục công nhân được phỏng vấn bên ngoài nhà máy đều cho biết mọi chuyện đang diễn ra không được thuận lợi.

Các nhân viên đến nhà máy Samsung ở tỉnh Thái Nguyên ngày 13 tháng 10 năm 2016. Ảnh: Reuters

Thương và những người bạn của cô đã làm việc cho Samsung khoảng năm năm cho biết họ chưa bao giờ thấy công ty cắt giảm sản lượng lớn đến như vậy.

“Tất nhiên năm nào cũng có mùa thấp điểm, thường vào khoảng tháng 6-7, nhưng thấp điểm có nghĩa là không có tăng ca, không phải cắt giảm ngày làm việc như thế này.” Chị Thương cho hay.

Chị cho biết các nhà quản lý đã nói với công nhân ở đây rằng lượng hàng tồn kho đang ở mức cao và hiện không có nhiều đơn đặt hàng mới.

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner dự kiến lượng điện thoại thông minh xuất xưởng trên toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay do sự cắt giảm chi tiêu từ phía người dùng và doanh số bán hàng giảm mạnh ở Trung Quốc.


Samsung là nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Họ hiện có đến sáu nhà máy trên khắp cả nước, từ các trung tâm công nghiệp phía bắc Thái Nguyên và Bắc Ninh – nơi chủ yếu sản xuất điện thoại và linh kiện – cho đến nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Gã khổng lồ Hàn Quốc đã rót tổng cộng 18 tỷ đô la vào Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước ta. Riêng Samsung đã chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sự xuất hiện của họ tại Thái Nguyên cách đây gần một thập kỉ đã biến khu này từ một huyện nông nghiệp thanh bình thành một trung tâm công nghiệp sầm uất. Ngoài Samsung, nơi đây còn nhận lắp ráp cho các hãng điện thoại Trung Quốc, chẳng hạn như Xiaomi.

Các phúc lợi hào phóng như nơi ở và bữa ăn miễn phí hoặc được trợ cấp đã thu hút hàng chục nghìn lao động trẻ tìm đến khu vực này. Nhưng số giờ làm việc giảm hiện đang khiến nhiều người đứng ngồi không yên.

“Tháng trước lương của tôi bị cắt nửa tháng vì chỉ làm 4 ngày và thời gian còn lại trong tuần không làm gì.” Công nhân Nguyễn Thị Tươi cho biết.

Nhiều người còn lo lắng Samsung sẽ cắt giảm nhân công. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo nào như vậy được công bố.

“Tôi không nghĩ lượng nhân công sẽ bị cắt giảm, chỉ cắt giảm số giờ làm việc để phù hợp với tình hình toàn cầu hiện nay. Tôi hi vọng việc cắt giảm hiện tại sẽ không kéo dài và chúng tôi sẽ sớm trở lại nhịp độ bình thường.” Một công nhân giấu tên cho hay.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: samcafe.vn