Samsung Việt Nam đạt doanh thu gần 30 tỷ đô trong nửa đầu năm, lợi nhuận tăng vọt 24% lên 2,2 tỷ USD

Xét trên toàn cầu, trong quý 2, Samsung Electronics đạt doanh thu kỷ lục 63,67 nghìn tỷ KRW, tăng 20%; lợi nhuận hoạt động 12,57 nghìn tỷ KRW, tăng 34%.

Trong quý 2, bốn nhà máy lớn của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đạt tổng doanh thu xấp xỉ 13 tỷ USD. Trong đó, Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đem về 5 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) 3,4 tỷ USD, Samsung Display Việt Nam (SDV) 3 tỷ USD doanh thu, và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) 1,5 tỷ USD.

Doanh thu của 4 nhà máy Samsung tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1,6 tỷ USD. Đồng thời, tất cả các nhà máy đều chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu. Trong đó tăng với tỷ lệ nhiều nhất là SDV, tăng 25%, tương ứng 0,6 tỷ USD.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu các nhà máy Samsung đạt 29,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận trong quý 2 đạt 0,99 tỷ USD, tăng 80%. Nửa đầu năm các nhà máy lãi ròng 2,19 tỷ USD, tăng 23,7%.

Quý 2 thường là thấp điểm trong kết quả kinh doanh của các nhà máy Samsung Việt Nam, trong khi cao điểm là quý 3.

Xét trên toàn cầu, trong quý 2, Samsung Electronics đạt doanh thu kỷ lục 63,67 nghìn tỷ KRW, tăng 20%; lợi nhuận hoạt động 12,57 nghìn tỷ KRW, tăng 34%.

Mảng bán dẫn chưa được Samsung triển khai tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020, trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong, Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn công ty Hàn Quốc đầu tư thêm mảng bán dẫn để khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử.

Bộ phận kinh doanh truyền thông di động sụt giảm so với quý trước do thiếu hụt nguồn cung linh kiện và gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đã đạt được lợi nhuận vững chắc khi Samsung tận dụng được khả năng quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, cải thiện cấu trúc chi phí, đồng thời đóng góp từ sản phẩm máy tính bảng và thiết bị đeo tay tiếp tục được cải thiện.

Trong nửa cuối năm, Samsung cho rằng điều kiện thị trường sẽ thuận lợi cho mảng kinh doanh linh kiện. Trong lĩnh vực điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng, công ty đặt mục tiêu duy trì lợi nhuận ổn định bằng cách củng cố vị trí dẫn đầu ngành hàng cao cấp. Tuy nhiên Samsung cũng lưu ý, sự gián đoạn trong nguồn cung cấp linh kiện và những bất ổn liên quan đến COVID-19 có thể vẫn tồn tại.

Việt Nam phải đối mặt với làn sóng đại dịch lần thứ tư hết sức nghiêm trọng, trong đó khu vực phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối tháng 8/2021, tờ Korea JoongAng Daily cho biết nhà máy SEHC đặt tại TP HCM sử dụng khoảng 7.000 lao động có thời điểm hoạt động với số lượng công nhân chỉ đáp ứng 30% năng lực sản xuất.

Một lãnh đạo của Samsung Electronics cho biết: “Tốc độ hoạt động chậm lại do các biện pháp hạn chế, nhưng điều này không có nghĩa chúng tôi đang tạm dừng sản xuất. Các dịch vụ hậu cần tối thiểu vẫn tiếp tục được duy trì tại TP HCM”.

Trong tháng 9, Samsung ra thông báo tìm kiếm 1.000 công nhân sản xuất cho nhà máy tại Bắc Ninh. Trước đó một tháng, Samsung muốn tuyển dụng 3.000 nhân viên cho nhà máy Thái Nguyên.

Trên thực tế, Samsung có kế hoạch mở rộng sản xuất nhằm tăng sản lượng điện thoại Z Fold và Z Flip lên 25 triệu chiếc mỗi năm.

Cùng với đó, Samsung cũng đang có kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn nhân viên làm việc trong bộ phận R&D. Tập đoàn Hàn Quốc đang xây dựng một trung tâm R&D với tổng mức đầu tư 220 triệu USD, quy mô từ 2.200 – 3.000 nhân sự dự kiến hoạt động vào năm 2022.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại – linh kiện của Việt Nam đạt 35,7 tỷ USD, xuất khẩu điện tử – máy tính – linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, đều tăng trưởng 13% so với cùng kỳ.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: cafef.vn