Màn hình cong “thác đổ” trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Gần đây, các nhà sản xuất smartphone rơi vào tình trạng bí bách phải đưa ra cái gì đó mới mẻ, thu hút. Khi mà không gian sáng tạo teo tóp dần, một số trở nên ‘điên rồ' hơn bao giờ hết. Nỗ lực mới nhất là thiết kế màn hình thác đổ (waterfall).

*Bài viết của Bogdan Petrovan đến từ Android Authority, nêu quan điểm cá nhân của anh về một xu hướng màn hình mới.

Tôi đã sử dụng cả Huawei Mate 30 Pro và Vivo NEX 3 5G, trước đó là Galaxy Note Edge. Chúng đều trang bị màn hình được vát cong ở rìa, tùy từng máy mà độ cong khác nhau. Nhiều người bị màn hình vát cong đó làm cho mê mẩn, bởi nó khiến viền màn hình dường như biến mất. Giúp nhà sản xuất mở rộng không gian màn hình trên cùng một cỡ máy, tạo ra nét riêng cho điện thoại của họ.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Màn hình cong đẹp hút mắt nhưng chỉ để trưng?

Tuy nhiên, càng hứng thú trải nghiệm thiết kế màn hình mới bao nhiêu, tôi lại càng muốn quay về kiểu màn hình phẳng bấy nhiêu, hoặc ít nhất là độ cong giảm bớt. Chúng trông đẹp đấy, nhưng mà lại phi thực tế vô cùng! Dưới đây là những bất tiện mà kiểu vát cong “thác đổ” này gây ra, khiến tôi hụt hẫng rất nhiều.

Dễ vỡ khi vô tình bị làm rơi

Điều rõ ràng đầu tiên bạn có thể thấy, nó khiến chúng ta có cảm giác dễ rơi hơn bao giờ hết. Trơn hơn kiểu màn hình phẳng có nhiều điểm tì khi cầm hơn. Và lẽ tự nhiên, càng nhiều mặt kính lộ ra khi rơi thì tỉ lệ nứt vỡ càng cao. Mặc dù kính cường lực trên smartphone ngày càng gia cô chắc chắn hơn, nhưng nó vẫn không thể đảm bảo cạnh máy ở những cú rơi khó tránh khỏi.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Càng cong nhiều càng tăng tỉ lệ hư hỏng màn hình do chịu tác động ngoài ý muốn

Chẳng ai có công thức để biết khi nào thì bạn bị hỏng máy do những tai nạn bất chợt như vậy. Tôi đã làm rơi vài lần Mate 30 Pro nhưng may mắn không bị làm sao. Nhưng người bạn David của tôi lại không được như vậy. Chiếc Galaxy Note 10+ của anh đã hư ngay sau chỉ sau một cú rơi. Rõ ràng màn hình của Note 10+ ít cong hơn Mate 30 Pro, vậy mà chuyện này lại xảy ra. Khi sử dụng một chiếc điện thoại có màn hình cong, bạn chỉ có thể hy vọng thần may mắn luôn bên mình mà thôi!

Rắc rối khác phát sinh là khó kiếm phụ kiện phù hợp. Kiểu thiết kế vát cong ở cạnh khiến cho miếng dán bảo vệ màn hình, bao da hay ốp lưng khó che chắn chiếc flagship của bạn hơn. Chúng buộc phải để lộ phần rìa ngoài để thực hiện các thao tác, hiển thị nổi dung. Hơn nữa, kiếm được phụ kiện phù hợp với màn hình cong và thậm chí là cong “thác đổ” cũng khó khăn hơn nhiều, giá cả lại đắt hơn loại thông thường. Tự nhiên bạn phải rước thêm chi phí và rủi ro không đáng, trong khi màn hình phẳng có phụ kiện đơn giản, dễ kiếm và an toàn.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Nội dung hiển thị phù hợp với thiết kế phẳng truyền thống hơn là viền màn hình được vát cong

Chẳng ai sản xuất nội dung phù hợp với kiểu màn hình “quái gở” này

Ứng dụng và nội dung không phù hợp với màn hình cong “thác đổ” hoặc nếu có, cũng là theo kiểu khó tận dụng. Phần lớn ứng dụng chỉ đơn giản là trải giao diện ra tận ngoài và không sao, nhưng một số có phần bảng điều khiển đặt ở cạnh, khiến thao tác trở nên khó khăn. Ví dụ với trò PUBG Mobile mà tôi chơi, vài thành phần giao diện ở phần rìa trở nên khó nhìn và khó chạm đúng. Điều không xảy ra với màn hình phẳng thông thường.

Với bàn phím ảo Gboard và Swiftkey, tôi gặp nhiều vấn đề liên quan đến gõ chữ khi giữ máy ở chế độ dọc. Ngón trỏ của tôi trở nên khó với tới các ký tự “q” và “p” vì chúng đặt ở phần rìa cong. Chuyện ngớ ngẩn này lặp lại khi đọc văn bản. Nếu trang dàn các dòng chữ ra cả cạnh rìa, tôi thực sự rất khó đọc chúng một cách liền mạch. Giống như tờ báo bị bẻ cong ở rìa khiến chữ và hình biến mất dần, không thể đọc trọn vẹn.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Trải nghiệm gõ phím tệ hại với màn hình “thác đổ”

Ánh sáng phản quang khó chịu!

Nếu bạn cho rằng không gõ phím hay đọc báo thì sẽ không sao, thì bạn đã nhầm! Kể cả khi chỉ xem nội dung chính ở phần giữa, màn hình cong “thác đổ” cũng cho thấy sự kém thân thiện trong trải nghiệm. Khi xem video, viền màn hình bẻ cong luôn cả khung hình, khiến nó có chút méo mó. Còn khi dùng ở ngoài trời có ánh nắng gắt, rìa cạnh phản quang rất mạnh. Có một dải ánh sáng chạy dọc theo cạnh màn hình khiến bạn khó đọc văn bản và xem video.

Khó bấm nút cứng hơn

Cơn ác mộng mang tên “thác đổ” vẫn chưa chịu chấm dứt! Không nói về trải nghiệm với màn hình, chúng ta nói về những nút cứng. Để phần viền màn hình có thể cong liền mạch, Huawei và Vivo đã dẹp bỏ cụm phím ấm lượng. Điều này khiến việc điều khiển khi cần phụ thuộc hoàn toàn bằng phần mềm.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Thao tác tăng giảm âm lượng trở thành một cực hình

Trên chiếc Mate 30 Pro của tôi, gõ hai lần ở cạnh rìa để gọi ra thanh điều khiển âm lượng ảo. Điều này rõ ràng tốn công và phức tạp hơn so với trước đây, chúng ta chỉ việc bấm nút là đã tăng giảm được âm lượng hoặc gọi ra thanh điều khiển. Sử dụng phần mềm tỏ ra kém hiệu quả khi bạn cần gấp, ví dụ tình huống trong một cuộc họp hoặc vào rạp chiếu phim.

Vivo thì có cách tiếp cận khác Huawei. Họ chia viền cong làm hai phần tương ứng nút tăng và giảm âm lượng ở trên và dưới, lấy phím nguồn làm mốc chia. Bộ khung cảm ứng lực sẽ cảm nhận lực ấn của bạn để thực hiện tăng giảm như thể ấn phím cứng. Một tiếng vo vo nhỏ sẽ báo cho bạn biết đã thành công hay chưa. Và mặc dù vẫn kém hiệu quả hơn kiểu truyền thống, cách này vẫn dễ dùng hơn kiểu của Huawei.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Phần rìa cong làm giảm trải nghiệm xem phim, đọc báo rất nhiều so với thiết kế phẳng

Đánh đổi không đáng

Như đã nói ở trên, nỗ lực gây ấn tượng của Huawei và Vivo chỉ vì họ đã bí bách ý tưởng. Ngoài việc tạo nên sự hào nhoáng ngọt ngào bên ngoài che đậy những trải nghiệm bất tiện bên trong, màn hình cong “thác đổ” chẳng còn tác dụng gì to lớn.

Một số thì đề ra ‘thuyết âm mưu' rằng họ cố tình làm vậy để dụ chúng ta phải sửa chữa thiết bị với chi phí cao hơn. Khi mà chu kỳ thay mới thiết bị trở nên dài hơn, ngành công nghiệp sẽ rất vui mừng nếu bạn mang đến một chiếc flagship bị nứt, bể màn hình. Để bù đắp cho doanh số sụt giảm, họ chuẩn bị sẵn hàng triệu màn hình phục vụ cho sửa chữa và thay thế. Nên nhớ rằng chi phí sản xuất loại màn hình cong này cao hơn phẳng, từ đó đem lại nguồn thu bảo hành lớn hơn.

Màn hình cong "thác đổ" trên smartphone: Xu hướng vớ vẩn phi thực tế

Phải chăng Samsung là người vui nhất khi các điện thoại màn hình cong của người dùng bị hư hỏng?

Thật buồn khi phải nói rằng, có lẽ chính Samsung là người nên chịu trách nhiệm cho việc này. Hoặc có thể là lời khen cho việc khởi tạo xu thế màn hình cong? Để rồi từ đó, Vivo và Huawei đi đến thiết kế “thác đổ” đầy ngớ ngẩn. Biến những ý tưởng hình vẽ thành sản phẩm thương mại. Dù muốn hay không, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ kiểu thiết kế này sẽ lây lan trong tương lai.

Và sẽ còn điên rồ hơn nữa

Áp lực phải khiến công chúng trầm trồ đẩy các hãng Trung Quốc vào trạng thái khó kiểm soát. Họ sẵn sàng ưu tiên thẩm mĩ lên trên tiện dụng, đánh bóng tên tuổi lên trên trải nghiệm thực tiễn, vì thế, chúng ta có một chiếc điện thoại như bước ra từ các video render ảo diệu. Chính là điện thoại có màn hình bao quanh thân máy Mi MIX Alpha của Xiaomi. Khi nhìn vào nó, tôi đã tự hỏi thứ quái quỷ gì đây!

Áp lực phải khiến công chúng ngạc nhiên đẩy các nhà sản xuất vào con đường liều lĩnh

Mặc dù là một sản phẩm chưa được phát hành ra thị trường, nhưng nó cũng khiến tôi phân vân liệu chúng ta đã đi quá xa hay chưa? Rồi tiếp theo sẽ là thiết kế điên rồ nào nữa? Xiaomi vẫn chưa thực sự làm chủ quy trình sản xuất Mi MIX Alpha nên họ chỉ có thể sản xuất giới hạn, cũng như ngày giao hàng vẫn còn mông lung. Dù vậy, cái giá 2.800 USD hẳn khiến nhiều người phải ấn tượng với một sản phẩm nặng tính trình diễn như vậy.

Các hãng smartphone không ít lần đã lựa chọn kiểu dáng phong cách hơn là tính thực dụng khi trải nghiệm. Ví dụ khe cắm thẻ nhớ, cổng 3.5mm, viên pin lớn, viền dày một chút,… Đặc biệt bên cạnh mục đích chứng tỏ mình không hề thua kém đối thủ về công nghệ, còn giúp họ có thêm nguồn thu khác. Đó là bán các phiên bản bộ nhớ lớn hơn với chênh lệch giá đáng kể so với khe cắm thẻ nhớ. Tung ra các tai nghe không dây và bán rời adapter chuyển đổi cho những ai trót đánh mất…

Bất ngờ và phấn khích, rồi sao nữa?

Trong thời đại cạn kiệt dần không gian sáng tạo, làm điện thoại trông tươi mới và thú vị dễ hơn nhiều việc giới thiệu một thay đổi mang tính đột phá thực sự, thay đổi trải nghiệm hàng ngày. Ít ai lại tha thiết màn hình cong “thác đổ”, màn hình kép, sơn phủ màu óng ánh, hay camera pop-up. Tuy nhiên, các hãng Trung Quốc đang nhân rộng chúng hơn bao giờ hết.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: vnreview.vn