Vì sao Samsung không chịu bán flagship giá mềm mà cứ bán đắt rồi khuyến mại “khủng”?
Smartphone đầu bảng của Samsung bao giờ cũng đắt hơn vài trăm USD so với smartphone đầu bảng từ Trung Quốc. Tại sao không bỏ quà tặng và đối đầu trực diện với các đối thủ mới nổi?
Có lẽ các fan của Samsung tại Việt Nam đều đã quen thuộc với chính sách bán hàng của hãng này: cứ mua Galaxy đầu bảng là được tặng một đống quà mang về. Ví dụ, tùy thuộc vào cửa hàng, Galaxy S10 năm nay có thể được tặng kèm tai nghe không dây (true wireless) Galaxy Buds, bao da ClearView, phiếu mua hàng, gói bảo hiểm, loa Bluetooth, pin dự phòng v…v… Năm ngoái, người mua S hoặc Note đều được tặng sạc không dây và cáp DeX để điện thoại “biến hình”. Năm 2016, Galaxy S7 và S7 edge cũng được bán kèm GearVR, sản phẩm tiên phong của Samsung trong lĩnh vực thực tại ảo.
Các thị trường bán điện thoại theo hợp đồng thuê bao như Mỹ và Hàn Quốc thậm chí còn khuyến mại nặng tay hơn. Khi ký hợp đồng dài hạn, người dùng các nước này thậm chí còn được “mua một tặng một”, tức là cứ mua một chiếc S10 thì có ngay thêm 1 chiếc nữa cho vợ chồng con cái sử dụng kèm… Bạn sẽ không bao giờ thấy Apple thực hiện một bước đi tương tự cả. Câu hỏi là tại sao?
41.990.000₫
26.990.000₫
Đáp án: Vì vị thế của Samsung
Có một điều lạ lùng ít người nhận ra: sản phẩm đầu bảng của Huawei, Xiaomi và OPPO đến nay vẫn chưa dám đối đầu trực diện với sản phẩm đầu bảng của Samsung và Apple. Các mẫu P30, Mi 9 hay Reno có giá gốc (tức là giá bán tại quê nhà Trung Quốc) chỉ vào khoảng 500-600 USD, tức là mới chỉ ở khúc “cận cao cấp” mà thôi.
Ở phía ngược lại, Galaxy S10e là bản “giá mềm” cũng đã khởi điểm từ 750 USD, ngang với iPhone XR. Phiên bản đắt giá nhất của các mẫu S hay Note đã chạm ngưỡng 1000 USD từ rất lâu rồi. Nếu như Huawei, Xiaomi và OPPO vẫn cố mang tâm lý “chuộng giá rẻ” đi bán, Samsung lại tranh đấu sòng phẳng với Apple: không cần quan tâm về giá, chỉ quan tâm đến mức độ cao cấp của phần cứng, độ hoàn thiện của phần mềm mà thôi.
Với vị thế như vậy, Samsung không thể hạ giá các mẫu Galaxy S hay Note được. Bởi khi iPhone khởi điểm ở mức nghìn đô, bán Galaxy S hay Note ở mức giá chỉ 600 – 700 USD sẽ khiến nhiều người mang tâm lý rằng, smartphone Samsung kém cỏi hơn iPhone. Ngay chính Huawei khi bán Mate và P tại châu Âu cũng đẩy giá lên cao vút, với hy vọng người dùng sẽ nhìn nhận đầu bảng của Huawei cùng một đẳng cấp với Samsung và Apple. Smartphone vốn đã luôn hàm chứa ý nghĩa “cái tôi”, Samsung vốn lại là đại diện của phân khúc tầm cao, đâu có thể tự hạ thấp mình để đứng cạnh smartphone Trung Quốc?
Nhưng được cái này thì sẽ mất cái kia… Mặc dù smartphone Samsung vượt mặt hẳn về camera, màn hình hay đặc biệt là trải nghiệm phần mềm, người dùng Android vẫn thường mang tâm lý so sánh cấu hình. Nếu chỉ đặt cấu hình lên trên và sẵn sàng chấp nhận sử dụng “Android nhái iOS”, nhiều người sẽ chọn Huawei và Xiaomi thay vì Android.
Chưa dừng ở đây, một trong những nguyên nhân khiến Android bành trướng và Samsung đạt được vị trí số 1 toàn cầu là bởi Apple không chịu bán hàng giá rẻ, mở rộng cửa cho Samsung cùng các hãng Android khác ra mắt các sản phẩm lấp chỗ trống. Tâm lý “món hời” đã hằn sâu vào thế giới Android, buộc Samsung phải tìm cách khiến cho người mua Galaxy S và Note tin rằng họ đang nhận được những ưu đãi hấp dẫn từ nhà sản xuất.
Hai tâm lý trái ngược nhau tạo ra một tình huống oái oăm cho gã khổng lồ Hàn Quốc. Làm thế nào để vừa giữ được vị thế cho sản phẩm đầu bảng, lại vừa thu hút được người dùng? Câu trả lời dĩ nhiên là “khuyến mại khủng”. Khi Samsung bán Galaxy S10 giá cao kèm theo cả đống quà, người mua vẫn có thể tự hào rằng họ đang nắm trong tay sản phẩm Android đẳng cấp nhất… Mặt khác, họ vẫn có thể cảm thấy thoải mái dễ chịu khi được tặng kèm rất nhiều phụ kiện cao cấp để nâng tầm trải nghiệm lên cao hơn nữa.
Có lẽ cũng bởi thế mà Samsung vẫn cứ điềm nhiêm đứng đầu thế giới Android. Một mặt, Galaxy S và Note vẫn cứ vượt trội hơn hẳn những chiếc smartphone Trung Quốc về đẳng cấp và giá bán. Mặt khác, Samsung vẫn tạo được tâm lý “giá trị” hơn hẳn so với Apple. Biến gọng kìm khó khăn trở thành mũi nhọn cạnh tranh, trước giờ mới chỉ có Samsung làm được mà thôi.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo ttvn.vn)