Quý 1/2019: Thông cáo chính thức của Samsung về chiến tranh “khô máu” với smartphone Trung Quốc
Samsung vốn chỉ đứng thứ 2 sau Apple về lợi nhuận smartphone. Năm nay, Samsung không màng lợi nhuận nữa: còn ai “lãnh đủ” ngoài smartphone Trung Quốc, vốn gắn liền với phân khúc giá rẻ và tầm trung?
2 năm vừa qua là 2 năm đẹp nhất trong lịch sử Samsung. Từ quý này sang quý khác, gã khổng lồ Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận những khoản lợi nhuận cao kỷ lục. Trong nhiều quý, Samsung thậm chí còn sinh lợi nhuận cao hơn cả Apple, một công ty vốn được coi là vua thế giới công nghệ về khả năng sinh lời.
Đáng tiếc rằng những gì đến rồi cũng có thể đi. Trong quý 1/2019, lợi nhuận của Samsung đã suy giảm tới 60% so với cùng kỳ 2018. Mảng chip nhớ không đạt kỳ vọng, mảng hiển thị thua lỗ, cảm biến camera cũng không “được mùa” là những lý do khiến cho Samsung gặp tình cảnh đáng buồn như hiện tại.
41.990.000₫
26.990.000₫
Nhưng rất có thể, câu chuyện buồn của Samsung sẽ là câu chuyện buồn cho các đối thủ smartphone nữa.
Lời tuyên chiến chính thức
Cũng giống như các mảng kinh doanh khác, smartphone của Samsung quý vừa rồi đã chứng kiến lợi nhuận giảm sút mạnh (khoảng 40%). Song, nếu như các mảng kinh doanh khác thua lỗ vì lý do đáng buồn (đặt cược sai lầm vào OLED dẻo chẳng hạn) thì smartphone giảm lợi nhuận vì một lý do rất chính đáng: tái cơ cấu.
Đây là những gì Samsung nói về mảng di động trong quý 1/2019:
“Samsung chứng kiến doanh thu di động so với quý trước nhờ vào doanh số vững mạnh của Galaxy S10. Tuy vậy, sức tăng trưởng của smartphone (nói chung) đã bị hạn chế vì các model đời trước bán không chạy, sau khi Samsung tái cơ cấu phân khúc tầm trung và giá rẻ. Chi phí gia tăng từ việc đưa các tính năng cao cấp (xuống tầm trung), marketing và thay đổi cơ cấu sản phẩm đã gây sức ép lên lợi nhuận…
Samsung sẽ tiếp tục tăng cường danh mục sản phẩm thông qua những đột phá như Galaxy S10 5G hay Galaxy A80, và sẽ tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm… Trong nửa sau của năm, mặc dù cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, Samsung vẫn kỳ vọng doanh số smartphone sẽ gia tăng, nhờ vào các mẫu mới từ series Galaxy A cho đến Galaxy Note khi nhu cầu thị trường tăng cao”.
Không còn thu lời từ đối thủ
Không phải đến bây giờ chúng ta mới biết dã tâm của Samsung lớn đến chừng nào: ngay từ đầu năm, sự kiện ra mắt Galaxy M20 và sau đó là cả loạt Galaxy A với cách đặt tên mới đã cho thấy Samsung thực sự muốn thay đổi. Nhưng những gì được gã khổng lồ Hàn Quốc công bố trong thông báo tài chính vừa qua lại là lời khẳng định chính thức đầu tiên, rằng Samsung năm nay sẽ quyết ăn thua đủ trên lĩnh vực di động. Và, dựa vào thông báo trên, rõ ràng kẻ phải lo lắng nhất sẽ là smartphone Trung Quốc.
Lý do rất đơn giản: Samsung không còn nhiều điều kỳ vọng từ các đối thủ/đối tác Trung Quốc nữa. Kể từ 2015, smartphone của Samsung bắt đầu ngừng tăng trưởng, kéo theo đó là lợi nhuận cả cả tập đoàn. Nhưng cũng cùng vào năm này, smartphone Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Huawei, Xiaomi, OPPO/Vivo/OnePlus, tất cả đều có sử dụng linh kiện mua từ Samsung. Ví dụ, cảm biến ISOCELL của Samsung có mặt trên Mi Mix 3 và Vivo X21, màn hình OLED của Huawei P20 Pro và P30 Pro cũng đến từ Samsung. Gần như chắc chắn các hãng Trung Quốc phải sử dụng đến DRAM và NAND của Samsung: kết thúc năm 2018, Samsung chiếm 57% nguồn cung DRAM di động, 30% nguồn cung chip nhớ NAND.
Năm 2018, thị trường di động chững lại. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc suy giảm ở mức 2 chữ số. Kết hợp với nguồn thu từ Apple cũng giảm sút (iPhone chiếm khoảng 1/5 doanh thu tấm màn của Samsung) cũng như nhu cầu chip server suy giảm, Samsung đã phải chứng kiến lợi nhuận ngày một bốc hơi.
Trở lại với smartphone
Không còn thu lời từ đối thủ, cách duy nhất để trở lại với tăng trưởng là cạnh tranh. Như những gì Samsung đã công bố trong báo cáo tài chính, gã khổng lồ Hàn Quốc đang trở mình đầy mạnh mẽ trong cuộc đua di động. Nếu như trước đây smartphone tầm trung và giá rẻ của Samsung luôn tỏ ra nhàm chán và tụt hậu trước smartphone Trung Quốc thì từ nay chúng sẽ được sở hữu các tính năng cao cấp trước cả Galaxy S/Note. Nếu như trước đây Samsung gần như bỏ mặc cho smartphone đối thủ/đối tác vươn lên thì nay Samsung thậm chí còn sẵn sàng hy sinh cả lợi nhuận để đòi lại chỗ đứng trên các phân khúc vốn là do hãng này tiên phong.
Trả giá như vậy, Samsung sẽ nhận được một phần thưởng vô cùng quan trọng: vị thế bất diệt cho tương lai. Smartphone có thể coi là loại hình thái công nghệ (form factor) cuối cùng của loài người, hội tụ đủ tất cả những yếu tố quan trọng, từ tính di động, sức mạnh xử lý, khả năng kết nối cho đến trải nghiệm tương tác. Nếu sống được đến tương lai, hãng nào còn chỗ đứng trong thị trường smartphone sẽ còn thu lợi nhuận “khủng”, đặc biệt là khi thị trường tiến về cao cấp.
Để xây dựng được chỗ đứng trong thị trường mãi mãi quan trọng này, các hãng Trung Quốc đã luôn chấp nhận trả giá đắt, không có lợi nhuận hay thậm chí là chịu lỗ. Một khi thị trường bão hòa, cung cách kinh doanh đó sẽ càng khiến thị trường trở nên khắc nghiệt, và quả thật Xiaomi, OPPO/Vivo đều đã phải nối đuôi Huawei tiến đánh lên tầm cao… Đến một lúc nào đó, khi hết vốn, hết khả năng vay nợ, họ sẽ buộc phải sinh lời “khủng” để bù đắp.
Tiền không phải vấn đề
Samsung thì không có vấn đề ấy. Năm nào, quý nào Samsung cũng có lãi – và là những khoản lãi khổng lồ nếu so với Trung Quốc. Ví dụ, quý vừa rồi – được coi là quý yếu trong năm, Samsung thu về 5,5 tỷ USD. Tiền lãi của Huawei trong cả năm 2018 chỉ là 8,8 tỷ USD. Dự trữ tiền mặt của Samsung cũng ở mức xấp xỉ 100 tỷ USD, thừa sức cho Samsung “khô máu” với các hãng Trung Quốc.
Và quả thật là Samsung đang khô máu với Trung Quốc. Galaxy M ra mắt và ngay lập tức được ca ngợi vì giá tốt, thậm chí Galaxy M40 sắp tới còn được đồn đoán trang bị Snapdragon 675. Một danh mục Galaxy A đông đảo hơn bao giờ hết đưa tấm màn OLED của Samsung xuống những mức giá rẻ giật mình, tiên phong cho những tính năng mà S/Note phải vài tháng sau mới có (như 3-camera chẳng hạn).
Khi Samsung có thể nói “không thèm lãi” thì đó là lúc thị trường smartphone mới thực sự đổ máu.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo ttvn.vn)