Liệu ai còn muốn mua điện thoại mới của Huawei khi nó không có Facebook, Youtube,…?

Lệnh cấm vận của Mỹ đang khiến mảng kinh doanh smartphone của Huawei tê liệt. Việc các máy mới không thể sử dụng những ứng dụng cơ bản như Facebook, Youtube thực sự là một trở ngại với những người dùng phổ thông.

Hãy tự hỏi bản thân một cách chân thành: Nếu sắp nâng cấp smartphone cuối năm nay, liệu bạn có muốn mua một chiếc điện thoại mà tương lai hỗ trợ Android mờ mịt, không có các ứng dụng quen thuộc của Google cũng như Facebook? Đó là tình trạng mà Huawei và thương hiệu con Honor sắp phải đối mặt, khi niềm tin khách hàng với họ bị tổn hại nghiêm trọng sau lệnh cấm vận từ Mỹ. Việc không sử dụng được những ứng dụng cơ bản như Facebook, WhatsApp, Youtube, Gmail,… thực sự là một trở ngại lớn với nhiều người dùng phổ thông. Những người chỉ muốn mua về là dùng ngay, với các ứng dụng sẵn có.

Facebook cấm Huawei cài sẵn các dịch vụ của họ lên điện thoại

Mặc dù Huawei đã úp mở việc tung ra Hongmeng OS, một giải pháp thay thế cho hệ điều hành Android, nhưng để được người dùng công nhận thì là một bài toán khác khó hơn rất nhiều. Viết ra một hệ điều hành không khó với tập đoàn lớn mạnh như Huawei, nhưng phát triển nó đủ sức thay thế cho Android đang thống trị, để cả người dùng lẫn nhà phát triển đều tự tin với hệ điều hành mới… Liệu có khả thi?

Một báo cáo mới đây từ Nikkei cho biết, công ty Trung Quốc đã hạ dự báo lượt giao hàng smartphone nửa sau năm 2019, khoảng 20-30%. Còn theo tờ Bloomberg mới đây, dự báo nội bộ của một số quản lý từ Huawei cho thấy thiệt hại doanh số toàn cầu có thể lên tới 60%. Mục tiêu lật đổ Samsung vào cuối năm 2019, vốn rất khả thi trước khi lệnh cấm xuất hiện, đã bị hoãn lại. Ngay cả chiếc điện thoại gập Mate X đầy tham vọng cũng dời ngày phát hành lại ba tháng so với ban đầu.

Không có các ứng dụng của Google và các công ty Mỹ, liệu hệ điều hành mới của Huawei có được chấp nhận?

Theo một chuyên gia, gần một nửa doanh số smartphone Huawei là đến từ nước ngoài, và chúng đều chạy Android với các dịch vụ di động thiết yếu của Google. Không chỉ đơn giản là Youtube hay Play Store, mà còn cả các hàm API, chứng chỉ khác, giúp điện thoại hoạt động đầy đủ các chức năng. Nếu ở thị trường nội địa Google bị chính phủ Trung Quốc cấm đoán, và Huawei có thể sử dụng các dịch vụ từ những người đồng hương để thay thế thì ở quốc tế các dịch vụ của công ty Mỹ lại cực kỳ cần thiết với trải nghiệm hàng ngày của hàng triệu khách hàng.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, ở Trung Quốc Huawei có thể sống khỏe với hệ điều hành và ứng dụng riêng, nhưng ở phần còn lại của thế giới thì không đơn giản. Hầu như các ứng dụng Android phổ biến đều xuất phát từ Google và các công ty Mỹ khác. Những ứng dụng này mang tính quyết định trong trải nghiệm người dùng, mà ứng dụng từ nhà phát triển Trung Quốc rất khó thay thế. “Không được các ứng dụng này hỗ trợ, sẽ cực kỳ, cực kỳ khó để Huawei kéo khách hàng vào hệ điều hành họ tự xây dựng” – vị này nói.

Không ai biết chuyện gì sẽ đến với những chiếc điện thoại Huawei trong các tháng sắp tới. Nếu có một phép màu xảy ra, có thể họ sẽ thay đổi được tình hình. Chiếc Mate tiếp theo, mẫu Mate X, và nhiều mẫu điện thoại khác còn chưa kịp ra mắt, liệu khách hàng có còn muốn mua chúng?

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Minh Hoàng