Kỹ sư thiết kế màn hình Apple: Samsung thừa sức làm “cằm” mỏng nhưng như vậy sẽ dễ hỏng, còn Apple sẵn sàng làm vì tính thẩm mỹ
Pixel 3 XL vừa ra mắt chưa lâu đã gặp lỗi màn hình. Và đó cũng là lúc chúng ta có được lời giải thích rõ ràng nhất về việc tại sao một số hãng sản xuất lại chọn “cằm” dày thay vì “cằm” mỏng khi thiết kế smartphone.
Chiếc Pixel 3 XL bị lỗi màn này thuộc về YouTuber nổi tiếng Marques Brownlee. Cụ thể, vừa mua chưa được bao lâu, chiếc Pixel 3 XL của anh này đã xuất hiện một vài đường chỉ màu hồng chạy dọc từ đáy lên đỉnh màn hình, mà theo anh là do hậu quả của một cú rơi từ độ cao khoảng…30 cm mà thôi.
Ngay lập tức, một chủ đề đã được tạo ra trên Reddit dành riêng để nói về vấn đề này. Điều đáng nói là sau đó, nó đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc thảo luận đầy thú vị về việc tại sao màn hình lại dễ bị hỏng như vậy sau khi một người tự xưng là kỹ sư thiết kế màn hình của Apple nhập cuộc.
41.990.000₫
26.990.000₫
Anh chàng kỹ sư này đã tiết lộ một số thông tin mà hẳn bạn đã từng được nghe đến trước đây, rằng các màn hình OLED như thế này thường được uốn cong ở phần đáy (ngay vị trí “cái cằm” của máy) để kết nối với bộ phận chịu trách nhiệm “đẩy” hình ảnh lên màn hình. Kết nối khá mỏng manh này cực kỳ dễ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc tạo ra những đường sọc chạy dài từ đáy màn hình khi thiết bị va chạm với mặt đất, đặc biệt nếu “cái cằm” của máy khá mỏng. Các sọc màu hòng này là kết quả của phần kết nối bị hỏng, khiến các điểm ảnh mà chúng điều khiển luôn được kích hoạt. Và tất nhiên, “căn bệnh” này có một cái tên: VLD (vertical line defect – lỗi đường sọc dọc).
Bởi phần màn hình uốn cong 180 độ này hiện khá phổ biến trên hầu hết các tấm nền OLED với các chất liệu nhựa như các tấm nền mà nhiều flagship ngày nay sử dụng, mọi thiết bị với màn hình OLED đều dễ bị ảnh hưởng bởi VLD, đặc biệt nếu chúng có “cái cằm” mỏng. Khi được hỏi tại sao dễ lỗi như vậy mà các điện thoại OLED không làm cằm dày, anh kỹ sư màn hình Apple đã đưa ra một câu trả lời hay ho như sau:
“Đó là một câu hỏi khó. Nó liên quan rất nhiều đến độ bền của các góc máy… một cái cằm mỏng có nghĩa là phần uốn cong càng sát với khung máy hơn, do đó khả năng bị lỗi sọc đứng càng cao. Các iPhone mới cực kỳ dễ bị dính lỗi mà các bạn đang thấy ở đây.
Cằm dày mà bạn thấy trên nhiều điện thoại lại có liên quan đến giá trị và mục đích của công ty sản xuất ra điện thoại đó. Ví dụ, Apple đề cao tính thẩm mỹ, và sẵn sàng hi sinh một chút độ bền khi rơi rớt để đạt được điều đó. Các công ty khác lại muốn sử dụng phần không gian đó để lắp loa lớn hơn, hoặc một số linh kiện khác.
Một ví dụ khác là các điện thoại Samsung. Họ hoàn toàn có thể làm cái cằm mỏng như Apple (màn hình của tụi tôi do Samsung sản xuất mà). Họ không làm điều đó vì mục đích thẩm mỹ. Bởi Samsung phản đối tai thỏ, họ muốn giữ cái cằm có độ dày ngang với cái trán vì để cho…đối xứng”.
Đến đây chắc bạn hiểu rồi: Apple yêu cái đẹp và sẵn sàng hi sinh độ bền để có viền mỏng hơn (đừng lo, iPhone XR không nằm trong số này); ngược lại, Samsung – hãng duy nhất không sản xuất điện thoại có tai thỏ – lại thích phần trước đối xứng, do đó các điện thoại Note và Galaxy ít bị ảnh hưởng bởi VLD hơn.
Concept thiết kế của Samsung có thể sẽ đạt đến đỉnh cao khi Galaxy S10 xuất hiện, khi mà nhiều tin đồn đang dần xuất hiện khẳng định nó sẽ có viền trên và dưới thậm chí còn mỏng hơn cả S9 bằng cách đưa camera trước vào một lỗ nhỏ trong màn hình thay vì đặt ở cái trán máy.
Có lẽ chúng ta phải tiếp tục chờ để xem thiết kế mới mẻ đó thành công ra sao trên một chiếc điện thoại khủng đầy tiềm năng như Galaxy S10, bởi nó có thể là thành tựu to lớn tiếp theo trong sứ mệnh tạo ra các điện thoại “toàn màn hình”, sau thiết kế màn hình trượt trên Oppo Find X và Xiaomi Mi Mix 3.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo genk.vn)