Hạn chế xuất khẩu chất cản quang, Nhật muốn “triệt hạ” Samsung?

Samsung đang gặp khó khăn khi họ “chưa tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Dự báo kết quả kinh doanh quý 2 sẽ giảm 56% lợi nhuận hoạt động, trong khi Nhật Bản lại vừa áp lệnh hạn chế xuất khẩu với các nguyên liệu quan trọng.

Đơn vị bán dẫn của họ vốn đang đối mặt với tình trạng giá chip nhớ giảm, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Thế nhưng lệnh cấm vừa rồi lại khiến môi trường kinh doanh trở nên khắc nghiệt hơn, khi nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất chip từ Nhật bị hạn chế. Chất cản quang (resist) được dùng trong tiến trình bán dẫn quang khắc cực tím, còn nhựa Pi để làm màn hình OLED linh hoạt, đặc biệt quan trọng với ứng dụng màn hình gập được.

Chiến tranh thương mại giữa Nhật và Hàn đang gần hơn bao giờ hết

Theo báo Nikkei, một quan chức của Samsung nói rằng họ “đã bị sốc” và mô tả tình hình này là “không thể ngờ được”. Công ty Hàn Quốc được báo cáo là chỉ còn đủ hàng tồn kho trong một tháng, với khí HF dùng trong sản xuất chip. Một nhà phân tích đề nghị họ tạm đối phó bằng cách giảm sản xuất 20-30%, điều này một phần sẽ giúp chặn đà giảm giá chip nhớ khi cắt bớt nguồn cung. Tuy nhiên, dù thế nào thì đa phần đều bày tỏ suy nghĩ kém lạc quan về tình trạng này. Động thái của Nhật đánh trực diện vào điểm yếu của Samsung, khi nguồn cung quan trọng cho việc sản xuất chip bị gián đoạn. So với đồ gia dụng, smartphone, TV,… kinh doanh chip vẫn là mảng quan trọng nhất với Samsung.

Vai trò của những con chip thể hiện rõ trong dự báo vừa được hãng đưa ra. Doanh thu giảm 4%, lợi nhuận hoạt động giảm 56%. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do giá DRAM và NAND flash rớt không phanh, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu Samsung đã giảm điểm sau khi thông tin được đưa ra. Các nhà phân tích cho rằng trong quý này, đơn vị chip nhớ sẽ bị giảm đến 70% lợi nhuận. Chính sự đi xuống này khiến lợi nhuận hoạt động chung đi xuống. Nhu cầu chip nhớ yếu ớt khiến Samsung đang phải trữ lượng hàng tồn kho DRAM lên đến ba tháng, nhiều gấp ba lần mức thông thường.

So với đồ gia dụng, smartphone, TV,… kinh doanh chip vẫn là quan trọng nhất với Samsung

Tình hình sẽ còn bi đát hơn vào cuối năm, giá DRAM giảm tiếp 10% nữa. Dự báo cả năm nay, lợi nhuận từ bán dẫn sẽ sụt 50% so với năm ngoái. Một số nhà quan sát còn cho rằng, kinh doanh chip nhớ đang rơi vào báo động đỏ. Hệ quả của việc rơi tự do là Samsung sẽ bị Intel vượt mặt trong ngành bán dẫn. Người ta ước tính doanh thu cả năm của họ sẽ là 52,8 tỷ USD còn Intel là 69 tỷ USD, lần đầu tiên công ty Mỹ vượt qua Samsung trong ba năm gần đây.

Tất nhiên Samsung sẽ không “khoanh tay chờ chết” trước tình hình này. Dù bị bất ngờ, công ty vẫn đang là hãng chip nhớ lớn nhất thế giới, họ phải tìm cách vượt qua hạn chế nguồn cung nhằm duy trì sản xuất. Theo đó, nguồn tin từ công ty cho biết đang ráo riết tìm các phương án thay thế đối tác Nhật Bản, hai nguyên liệu chất cản quang và khí HF được ưu tiên lên hàng đầu. Một người nói “gần như không thể” thay thế chất cản quang, vốn phụ thuộc nặng nề Nhật Bản. Nhưng với khí HF, một số công ty ở Bỉ và Hàn Quốc có thể giúp.

Chất cản quang có thể xem là thách thức lớn nhất với chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc

Chất cản quang có thể xem là thách thức lớn nhất với chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc. Quyết định của chính phủ Nhật tuy đưa ra nhanh chóng nhưng lại rất có tính toán. Họ thực hiện một đòn đánh trực diện có hiệu quả trên quy mô toàn ngành bán dẫn, khi chỉ nhắm vào các loại mà Hàn Quốc chưa tự sản xuất được, hoặc khó tìm nguồn thay thế trong thời gian ngắn. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) của Chính phủ Nhật Bản đưa bốn chất cản quang (dương) vào diện hạn chế. Thứ nhất, loại cho bước sóng từ 15nm đến 193nm; hai là loại cho bước sóng từ 1nm đến 15nm. Ba là cho chùm điện tử hoặc chùm ion; và cuối cùng dùng cho thiết bị in litho điểm nano (imprint lithography).

Quá trình quang khắc khác nhau dựa vào tiến trình bán dẫn, với bước sóng càng nhỏ thì càng chính xác và thành phẩm có chất lượng cao hơn. Các chuyên gia phân tích rằng loại cản quang bước sóng 15nm đến 193nm sử dụng nguồn sáng ArF (Argon Fluoride). Loại dùng cho bước sóng từ 1nm tới 15nm là tiến trình EUV. Theo giáo sư Ahn Jin-ho của Đại học Hanyang, hiện Samsung (và cả SK Hynix) đang dùng loại cản quang cho các nguồn sáng ArF và EUV có bước sóng từ 13.5nm đến 193nm. Chủ ý của chính phủ Nhật là thiết lập lệnh hạn chế theo dải bước sóng. Quan trọng hơn, loại dùng cho EUV đặc biệt có ý nghĩa với tương lai của Samsung, khi mà họ đang chạy đua tiến trình 7nm.

Chính quyền Nhật hạn chế xuất khẩu chất cản quang nhằm “triệt hạ” Samsung

Bộ phận đúc chip của hãng đang tiếp nhận đơn hàng từ NVIDA, Qualcomm và dự tính sẽ dùng tiến trình EUV. Chính vì thế, chính quyền Nhật đưa loại cản quang dùng cho tiến trình này vào danh sách, nhằm “triệt hạ” Samsung. Họ thậm chí cố tình bỏ qua loại dùng cho bước sóng 248nm với nguồn sáng KrF (Krypton Fluoride). Bởi loại này đã được sản xuất tại Hàn Quốc, họ đã tính toán rất kỹ mới lên danh sách các chất bị hạn chế đủ gây áp lực lên Hàn Quốc.

Chưa hết, họ còn làm khó cả việc R&D của các tập đoàn Hàn Quốc. Có những chất cản quang dùng cho cả nghiên cứu công nghệ bán dẫn tiếp theo. Chùm điện tử và chùm ion còn được sử dụng để sản xuất mặt nạ trong ngành bán dẫn. Chúng góp phần tạo nên thế hệ nguồn sáng tiếp theo, có thể khắc các bản mạch cực mịn có bước sóng ngắn hơn cả loại EUV hiện tại. Ví dụ in litho điểm nano (Imprint lithography) là một tiến trình quang khắc có thể in các hình mẫu nano lên trên tấm wafer, được xem là công nghệ của tương lai.

Họ thậm chí còn gây khó khăn với cả công việc nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn mới

Như vậy, theo danh sách hạn chế thì chính quyền Nhật không chỉ chặn các loại cho mục đích thương mại, mà cả loại được trường đại học, viện nghiên cứu sử dụng. Một đại diện trong ngành bán dẫn bi quan rằng lượng dự trữ trong kho chỉ đủ trong một tháng, còn nguồn thay thế chất cản quang được thừa nhận là không thể. Một chuyên gia trong ngành thẳng thắn nói cần ít nhất 5 năm nếu muốn thay thế hoàn toàn chất cản quang từ Nhật. Chắc chắn Samsung không thể chờ đợi lâu như vậy, vì đây là vấn đề ngoại giao, tốt hơn họ nên tìm cách giải quyết ổn thỏa với Nhật Bản.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực làm việc với các doanh nghiệp lớn, trong đó có Samsung, để giải quyết chuyện này. Giá trị xuất khẩu chip cũng như tương lai ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc, phụ thuộc rất lớn vào Samsung, và công ty bây giờ đang bị chặn nguồn cung sản xuất. Giữa lúc mảng chip của họ đang sụt giảm nghiêm trọng vì giá bán lao dốc, thị trường smartphone thoái trào, đây thực sự là một tình huống tồi tệ!

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo vnreview.vn)