Samsung chiếm gần 50% thị phần smartphone tại Việt Nam

Thị trường smartphone Việt Nam nửa đầu 2019 tiếp tục là sân chơi của Samsung và Oppo. Trong khi đó, Huawei và Xiaomi vì những lý do riêng tiếp tục sụt giảm thị phần.

Theo số liệu thị trường di động Việt Nam cung cấp bởi Canalys, ba thương hiệu dẫn đầu hiện nay là Samsung, Oppo và Xiaomi. Ông Shengtao Jin – đại diện Canalys – giải thích đơn vị nghiên cứu thị trường này chỉ theo dõi số liệu bán hàng từ các thương hiệu. Vì vậy, thứ hạng thực tế sẽ có nhiều thay đổi nếu Apple cung cấp doanh số tại thị trường Việt Nam.

Cũng theo ông Shengtao, các sản phẩm Apple được bán ra tại thị trường Việt Nam thông qua các đơn vị nhập khẩu. “Vì vậy, thứ hạng chính xác thị trường sẽ được cập nhật bởi GFK”, ông Shengtao Jin cho biết.

Samsung trở lại với phân khúc tầm phổ thông và trung cấp

Theo số liệu mới nhất từ GFK ghi nhận từ các nhà bán lẻ, 6 tháng đầu năm 2019, Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường di động Việt Nam với 45,1% máy bán qua kênh offline, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này là nhờ dòng sản phẩm Galaxy M và A của hãng đánh trực diện vào phân khúc tầm trung và phổ thông với nhiều thay đổi về thiết kế và tính năng. Trong số đó có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như Galaxy M10, M20, A70, A80 và cả dòng Galaxy S.

Samsung chiếm gần 50% thị phần smartphone tại Việt Nam

Samsung vẫn đứng đầu thị phần di động với mức tăng 5% so với nửa đầu năm 2018. Ảnh: Zing.

Tuy phát triển kênh bán hàng offline nhưng Samsung cũng không bỏ lỡ kênh online. Hãng duy trì thị phần 46,2%, chỉ giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2019, Samsung có kết quả kinh doanh mỹ mãn khi giữ vững ngôi đầu bảng cả về online lẫn offline.

Nửa cuối 2019 là thời điểm người dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn. Để tiếp tục giữ vị trí top 1 doanh số, bên cạnh smartphone Galaxy Note10 cao cấp, Samsung cần tiếp tục đẩy mạnh phân khúc tầm trung và phổ thông. Sự trở lại của Samsung ở phân khúc vốn khốc liệt khiến thị trường tiếp tục sôi động hơn với sự cạnh tranh của các hãng.

Oppo nhường phân khúc phổ thông lại cho Realme

Với Oppo, sau khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và ra mắt dòng sản phẩm Reno thay cho F, hãng có mức tăng nhẹ lên 26% thị phần. Ở kênh bán hàng online, Oppo có mức tăng tốt từ 11,1% lên 15,7% thị phần.

Tuy không có số ấn tượng nhưng đây được xem là doanh thu tốt khi Oppo đang đánh mạnh truyền thông vào phân khúc trung và cận cao cấp như Reno và F.

Samsung chiếm gần 50% thị phần smartphone tại Việt Nam

Mức giảm 10% thị phần online của Xiaomi được chia cho Oppo và Apple. Ảnh: Zing.

Điển hình là việc các sản phẩm ra mắt gần đây của Oppo có mức giá từ 5 triệu đồng trở lên. Thậm chí, Oppo Reno còn có giá chạm mức 13 triệu đồng. Khoảng trống ở phân khúc phổ thông giờ đây được giao lại cho Realme.

Vừa thừa hưởng lại các kênh bán hàng offline và tự phát triển online, chỉ trong một năm ra mắt, Realme đã chễm chệ đứng thứ 5 thị trường với thị phần offline 3,4% và online 3% thị phần smartphone trong nước 6 tháng đầu năm 2019. Với thị phần này, Realme tiến gần đến con số 3,5% thị phần offline của Xiaomi.

6 tháng đáng quên của Xiaomi và Huawei

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, hai thương hiệu bắt đầu có mức giảm khủng là Huawei và Xiaomi. Trên chính sân chơi bán hàng trực tuyến của mình, Xiaomi từ 18,4% thị phần online sụt xuống còn 8,3% trong 6 tháng đầu năm 2019. Con số 10% thị phần này rơi vào tay Oppo và Apple.

Tuy mảng kinh doanh online giảm nhưng bù lại, Xiaomi giữ được thị phần offline với 3,5%. Có thể, sau thời gian dài bán trực tuyến, Xiaomi đang bắt đầu đẩy mạnh phân phối sản phẩm qua các kênh bán lẻ như các thương hiệu khác.

Thương hiệu có mức giảm sâu thứ hai là Huawei. Tháng 1/2019, Huawei giữ trong tay 6,8% thị phần offline và 3,4% thị phần online. Tuy vậy, đến tháng 6/2019, Huawei chỉ còn hơn 1% thị phần ở cả hai kênh phân phối.

Mức giảm khủng nhất ghi nhận ở tháng 5 trước thông tin Google rút giấy phép sử dụng Android trên các smartphone Huawei. Thông tin này khiến người dùng hoang mang.

Samsung chiếm gần 50% thị phần smartphone tại Việt Nam

Do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thị phần Huawei tại Việt Nam giảm mạnh từ tháng 5. Ảnh: Gsmarena.

Tình trạng bán tháo máy, ngừng nhập hàng được ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán lẻ. 6 tháng cuối năm 2019 là thời điểm Huawei cần cố gắng để lấy lại thị phần khi ra mắt Mate 30 Pro.

Về phần Apple, thương hiệu đến từ Mỹ này được ghi nhận dịch chuyển kinh doanh offline sang online. Cụ thể, thị phần offline của Apple giảm 2,8% nhưng kênh bán online lại tăng 2,8%. Điều này cho thấy người dùng đã bắt đầu quen với việc mua iPhone trên mạng.

“Lý do nằm ở việc giá iPhone xách tay không cố định, khác nhau giữa các nhà bán lẻ. Vì vậy, người dùng có xu hướng kiểm tra giá rồi đặt mua luôn. Bên cạnh đó, chất lượng của các sản phẩm từ Apple khá đồng đều nên người dùng có phần yên tâm khi mua trực tuyến”, Minh Tuấn, chủ cửa hàng điện thoại trên đường Trần Quang Khải, quận 1 cho biết.

Ngoài top 5 thương hiệu đầu bảng, thị trường di động trong nước cũng ghi nhận việc Vinsmart – thương hiệu di động vừa ra đời chưa được 1 năm của Vingroup – chiếm khoảng 3% thị phần online và offline.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo zing.vn)