Điểm DxOMark đã chết dưới tay Huawei
Một con số chỉ có ý nghĩa khi đem đến ý nghĩa thực tế. Benchmark đã bị tước đi ý nghĩa đó, và giờ là DxO.
Cách đây 2 năm, khi vén màn chiếc Pixel đầu tiên, Google cũng vô tình trở thành kẻ khai phá một trào lưu chóng nở chóng tàn: khoe điểm DxOMark. Khi đó điểm số 89 – cao nhất trong số những chiếc smartphone từng được DxO đánh giá – đã trở thành minh chứng rõ rệt nhất cho tính năng chụp ảnh siêu việt trên chiếc Android “của riêng Google” đầu tiên.
Thế rồi, qua 2 thế hệ không mấy êm ả, năm nay Pixel 3 ra mắt với 3 điểm đặc biệt. Đầu tiên, Pixel vẫn có với camera đơn. Tiếp đến, bằng camera đơn, Google cho phép người dùng có thể chụp ảnh bokeh như thật và thậm chí là zoom số với chất lượng gần bằng zoom quang học.
41.990.000₫
26.990.000₫
Cuối cùng, Google không nói gì về điểm số DxOMark của Pixel 3 nữa, như những gì từng làm vào năm ngoái.
Có một tên tuổi lớn khác cũng im lặng về điểm số DxOMark trên smartphone đầu bảng mới nhất của họ: Huawei. Từng coi DxOMark là con số minh chứng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các mẫu Mate và P trong lĩnh vực chụp ảnh, đến nay, hơn 1 tháng sau ngày vén màn Mate 20 Pro, Huawei vẫn không chịu nói điện thoại của mình được bao nhiêu điểm.
Tất cả những gì người dùng được biết chỉ là Huawei không dám công bố vì điểm quá cao, sợ người khác nghĩ là gian lận. Hiện tại, điểm DxOMark của cả Pixel 3 và Mate 20 Pro đều mới chỉ đến mắt công chúng qua các… tin rò rỉ.
Ý nghĩa của một con số
3 năm qua, cho dù có phải trải qua một vài sự cố không mong muốn, Google vẫn đã làm được một điều mà các đối thủ kiêm đối tác phải thèm khát: tạo ra một chiếc smartphone có ảnh thực sự đẹp. Hãy dạo qua các trang báo hay các diễn đàn Android và bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều người vẫn coi các mẫu Pixel là chiếc “camera phone” tiêu chuẩn. Để đánh giá chất lượng ảnh chụp của một chiếc smartphone, họ sẽ đem chiếc smartphone đó ra so sánh với Google.
Tức là, với những người dõi theo Google – bao gồm cả những người có chuyên môn, DxOMark đã trở thành một con số vô nghĩa. Người ta không cần bất kỳ con số nào để đại diện cho chất lượng ảnh trên Pixel nữa cả.
Có thể tác động
Nếu hiểu rõ về mô hình hoạt động của DxOMark, bạn chắc hẳn sẽ mất ít nhiều lòng tin vào những con số này. DxOMark không chỉ kiểm thử thiết bị mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn cho các hãng sản xuất camera. Dù cho 2 mảng kiểm thử và tư vấn vẫn được coi là độc lập với nhau, rõ ràng là các hãng sản xuất vẫn sẽ có khả năng tác động đến điểm số DxO của mình (bằng cách trả tiền cho DxO tư vấn).
Đây chính là tình huống đã từng xảy ra với điểm benchmark. Các ứng dụng benchmark không nhận phí tư vấn như DxOMark, nhưng các hãng sản xuất vẫn có biện pháp để tác động đến con số mình nhận được: ROM của họ cố tình nhận diện các ứng dụng benchmark, và khi phát hiện đang bị đo sức mạnh thì ép xung hoặc kích hoạt cả 2 bộ nhân big và LITTLE (trái với thiết kế của ARM và đe dọa độ bền của máy).
1 năm vừa qua, OPPO, Huawei và Xiaomi vẫn liên tục bị “vạch mặt” gian lận benchmark. Riêng Huawei mới đây còn chống chế và ra mắt chế độ “Performance”, vốn là chế độ dành riêng để gian lận trong AnTuTu. Cực chẳng đã, 3DMark còn xóa tên của nhiều mẫu Huawei/Honor.
Điều đáng nói là chẳng có lý do gì để làm vậy, bởi người dùng nay tỉnh táo hơn xưa rất nhiều. Họ hiểu rằng sức mạnh của máy cuối cùng vẫn quy tụ về những con chip/RAM, và cùng 1 phân khúc chip thì sức mạnh cũng gần như nhau. Điểm số benchmark bởi thế cũng dần trở nên vô nghĩa: không cần nhìn benchmark, người ta đã có thể dễ dàng đoán ra rằng smartphone Snapdragon 636 sẽ yếu hơn hẳn Snapdragon 845. Tương tự, không cần nhìn benchmark, một người dùng có kinh nghiệm cũng sẽ tự suy luận được rằng sự chênh lệch giữa các con chip Snapdragon hay Exynos đầu bảng là không đáng kể.
Một con số có thể bị tác động không bao giờ là con số để bạn dành 100% sự tin tưởng cho nó.
Ký giấy khai tử cho DxOMark
DxOMark cũng dần mất đi ý nghĩa theo một cách tương tự. Khi chụp ảnh trở thành nhu cầu quan trọng nhất, và khi chất lượng ảnh chụp chịu ảnh hưởng từ một lĩnh vực rất tốn kém là AI, chẳng có hãng nào lại tung ra smartphone chụp ảnh… xấu cả. Hãy tìm đến bất kỳ một bài review so sánh nào và bạn sẽ thấy, không bao giờ có chuyện smartphone của hãng này chụp ảnh vượt trội hoàn toàn so với smartphone của hãng khác.
Tất cả những bài đánh giá Mate 20 Pro cũng đều nói như vậy. Mate 20 Pro chụp ảnh có đẹp không? Câu trả lời là có, và thực sự trong một số tình huống, Mate 20 Pro vượt mặt cả iPhone XS lẫn Pixel 3. Nhưng cũng giống như mẫu Huawei hiện tại đang đứng đầu bảng “chính thức” của DxOMark là P20 Pro, Mate 20 Pro cũng vẫn mắc phải 2 lỗi lầm căn bản: xử lý quá tay cho màu không thật và làm sắc nét quá mức.
Tức là, trên một số khía cạnh nhất định, camera của Mate 20 Pro vẫn thua iPhone và Pixel. Nhưng Huawei vẫn có thể bằng cách nào đó đưa Mate 20 Pro lên một cột mốc DxOMark cao đến mức áp đảo cả Apple và Samsung, cao đến mức tự bản thân Huawei thấy ngại không dám công bố. Đến giờ, Huawei vẫn chưa dám “khoe” điểm DxO của Mate 20 Pro.
Huawei “sợ bị coi là gian lận” là bởi Huawei biết rõ camera trên Mate và P vẫn có những điểm thua kém trước đối thủ cạnh tranh trong khi điểm DxO nói điều ngược lại, rằng Mate và P áp đảo tuyệt đối. Và con số đó cũng nói điều trái ngược hoàn toàn với những gì hàng loạt trang báo đã tận mắt chứng kiến: ảnh chụp Mate 20 Pro không tương xứng với sự khác biệt lên tới 12 điểm trên DxOMark.
Đây có thể coi là hành động ký giấy khai tử cho DxO, khi con số này đang gợi nhắc những điều vô lý. Cũng đúng thôi, bởi ai có thể đem một thứ mơ hồ như “chất lượng ảnh chụp” gói hết vào một con số cơ chứ?
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo genk.vn)