Việt Nam – ngôi nhà thứ hai của Samsung

Sau 10 năm đến Việt Nam đầu tư, từ dự án ban đầu 670 triệu USD, đến nay Samsung đã có 3 tổ hợp công nghệ cao tại Việt Nam với trị giá hơn 17,3 tỷ USD, tăng 26 lần.

Tập đoàn có ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế ở Hàn Quốc

Samsung là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc có trụ sở đặt tại Samsung Town, Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Tập đoàn sở hữu nhiều công ty con, hầu hết hoạt động dưới thương hiệu Samsung, là tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc.

Samsung được sáng lập bởi ông Lee Byung-chul năm 1938, được khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ. Ba thập kỉ sau, Tập đoàn Samsung đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm: Chế biến thực phẩm; dệt may; bảo hiểm; chứng khoán và bán lẻ.

Nhà máy Samsung Electronics ở Việt Nam. Ảnh: Vietnamplus

Samsung tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập kỉ 60, xây dựng và công nghiệp đóng tàu vào giữa thập kỉ 70. Sau khi Lee mất năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn – tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Từ thập kỉ 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn, đóng góp chủ yếu vào doanh thu của tập đoàn. Những chi nhánh quan trọng của Samsung bao gồm: Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Hyundai Heavy Industry), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới). Những chi nhánh chú ý khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011).

Samsung có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau “Kì tích sông Hàn”. Đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Doanh thu chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) $1,082 tỷ đô la Mỹ của Hàn Quốc.

Việt Nam – ngôi nhà thứ hai của Samsung

Năm 2008, dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Bắc Ninh – SEV được nhận giấy chứng nhận đầu tư. Tháng 4/2008, nhà máy chính thức được khởi công xây dựng. Năm 2009 là năm đầu tiên Samsung Bắc Ninh đi vào hoạt động, SEV đạt công suất 1,5 triệu sản phẩm/tháng. Ba năm sau, cuối 2012, Samsung tiếp tục nhận chứng nhận đầu tư cho dự án thứ hai trị giá 830 triệu USD. Dự án này sau đó sáp nhập với dự án thứ nhất, đặt viên gạch đầu tiên cho việc hình thành ra một “thành phố công nghệ cao” ở Bắc Ninh.

Nhà máy Samsung Electronics ở Việt Nam. Ảnh: Vietnamplus

Tháng 3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức khởi công, bắt đầu hình thành khu tổ hợp công nghệ Samsung thứ hai ở Việt Nam.Sau này, SEVT tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD. Ở cả Thái Nguyên và Bắc Ninh, dồn dập các dự án “tỷ đô” của Samsung được thực hiện, như Samsung Display với vốn đầu tư 6,5 tỷ USD hay có Samsung Electro Mechanics Việt Nam (SEMV) có trị giá 1,23 tỷ USD.

Đến năm 2014, Samsung chính thức có Tổ hợp công nghệ cao thứ ba tại Việt Nam, Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC). Dự án được đầu tư với số vốn 2 tỷ USD. Có thêm tổ hợp này, Samsung đã chính thức có 3 tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành địa chỉ sản xuất của Samsung, không chỉ sản xuất thiết bị di động, mà còn cả đồ điện tử, thiết bị gia dụng.

Trước đây, tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên là những địa phương chưa có “tên tuổi” trên bản đồ xuất nhập khẩu của cả nước. Nhưng từ khi Samsung đặt nhà máy và đi vào sản xuất, hai địa phương này luôn ở nhóm dẫn đầu về xuất nhập khẩu khi kim ngạch chỉ từ vài trăm triệu USD/năm đã tăng lên hàng chục tỷ USD/năm. Kết quả, vượt qua nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Samsung đã có những hoạt động thiết thực tại Bắc Giang

Đầu năm 2018, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tài trợ cho dự án xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống lọc nước cho 26 trường THCS và tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với tổng số tiền tài trợ là 6,72 tỷ đồng. Đây là dự án nằm trong lĩnh vực ưu tiên vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh. Các công trình này được lắp đặt các thiết bị hoàn chỉnh như hệ thống nước sạch, máng rửa tay, vòi lấy nước, tường xây bằng gạch không nung, ốp gạch men, sân đổ bê tông, bệ xí xổm đúc sẵn.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (bên phải) trao tặng quà cho học sinh nhân dịp khánh thành và bàn giao công trình nhà vệ sinh và hệ thống lọc nước do Sam Sung tài trợ tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Trần Lan

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam mong muốn dự án giúp cải thiện môi trường sinh hoạt cho các em học sinh và nâng cao ý thức cho các em học sinh, phụ huynh và giáo viên về thói quen giữ gìn vệ sinh.

Tại tỉnh Bắc Giang, công ty điện tử Samsung đã tạo việc làm khoảng 13,4 nghìn công nhân, mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp người lao động Bắc Giang đảm bảo cuộc sống.

Trong thời gian tới, Tập đoàn tổ hợp Sam Sung sẽ đến Bắc Giang thăm và khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh. Với những tiềm năng, lợi thế cùng nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có thể hy vọng rằng Bắc Giang sẽ là địa điểm đầu tư hứa hẹn thành công của Tập đoàn Samsung.

Có thể nhận thấy, nhìn một cách toàn diện, thì không thể không thừa nhận, những đóng góp của Samsung cho kinh tế – xã hội Việt Nam là rất lớn. Samsung được coi như một trong những động lực chính góp phần quan trọng để nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 6,81%, cũng như đạt ngưỡng xuất nhập khẩu 400 tỷ USD trong năm ngoái. Những kỳ vọng đang tiếp tục được đặt ra trong năm nay, cũng như trong tương lai.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo bacgiang.gov.vn)