Trên tay Samsung Galaxy Fold: cầm nắm sướng tay, tiếng mở ra đóng vào nghe sướng tai và phần mềm thì “tốt đáng ngạc nhiên”

Màn hình gập của máy khá tốt, miễn là bạn đừng quá chú ý đến vết hằn.

Hai tháng sau sự kiện công bố chiếc Galaxy Fold – một sự kiện kỳ lạ mà Samsung không cho phép bất kỳ ai chạm vào thiết bị vừa ra mắt, cuối cùng các phóng viên TheVerge đã được trên tay chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên của Samsung. Thiết bị có giá 1.980 USD này sẽ bắt đầu bán ra vào ngày 26/5, nhưng nhiều khả năng số lượng máy sẽ rất hạn chế.

Nếu bạn thấy bài viết dài quá ngại đọc, thì xin tóm gọn lại như sau: Galaxy Fold ổn định và hào nhoáng hơn nhiều so với mong đợi, nhưng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết về mặt phần mềm. Một điểm đáng chú ý là trên màn hình máy thực sự có một vết hằn, nhưng bạn sẽ không để ý nhiều đến nó khi máy hoạt động đâu, và có lẽ nếu phải chấp nhận một vết hằn nhẹ để đổi lấy một màn hình lớn có thể gập gọn lại, thì có gì phải ngại?

Nếu bạn vẫn hứng thú, thì hãy đi vào chi tiết về chiếc Samsung Galaxy Fold thôi!

Luôn có những nguy cơ bạn phải đối mặt khi mua thế hệ đầu tiên của một thiết bị hoàn toàn mới. Và chiếc Fold là một chiếc máy như thế: nó là chiếc smartphone đầu tiên với màn hình 4.6-inch có thể gập mở ra, bên trong là một màn hình tablet 7.3-inch. Bạn có thể nghĩ rằng đây là một chiếc điện thoại có khả năng gập mở thành tablet. Nhưng sau khi dùng Galaxy Fold khoảng một tiếng đồng hồ, bạn sẽ nhận ra rằng nó là một chiếc tablet có khả năng gập đóng lại thành điện thoại thì đúng hơn.

Chính thay đổi trong cách nhìn nhận như trên sẽ khiến bạn nhận ra một khác biệt lớn xét về mặt hình dáng của Fold. Nếu bạn nghĩ nó như một chiếc điện thoại, thì đây hẳn là một chiếc điện thoại kỳ quặc. Nó siêu dài và dày hơn nhiều so với bất kỳ chiếc điện thoại nào khác trên thị trường khi đóng màn hình lại. Thậm chí khi đóng lại, sẽ có một khoảng hở nhỏ bởi màn hình không thể gập phẳng hoàn toàn được. Màn hình phía trước máy thì nhỏ – dù có kích cỡ 4.6-inch, nó vẫn mang lại cảm giác nhỏ hơn nhiều vì bề ngang quá hẹp, và bởi bản thân chiếc điện thoại quá dài.

Nhưng nếu bạn nghĩ nó như một chiếc tablet nhỏ có thể gập đóng lại, mọi yếu điểm vừa nêu dường như chẳng còn là yếu điểm nữa. Thay vào đó, bạn sẽ có cảm giác như sở hữu một chiếc iPad Mini nhưng có thể gập gọn để dễ bỏ túi hơn. Nói “dễ bỏ túi hơn” là có lý do: khi gập lại, máy vẫn hơi lớn và sẽ có một phần nhỏ bị lộ ra khỏi túi quần, dù túi sâu đến đâu đi nữa. Có thể nói thiết bị này được thiết kế để bỏ vào bóp, hoặc bỏ vào túi áo khoác.

Cơ chế bản lề của Fold thực sự ấn tượng. Khi đóng lại, nó phát ra một tiếng “lích” nghe rất sướng tai, và khi mở ra, bạn sẽ thấy máy có hiện tượng “bung” ra như gắn lò xo vậy – rất thú vị. Bên trong máy có nam châm để giữ màn hình đóng kín khi gập lại, và bạn sẽ không thể dùng một tay để mở nó ra được đâu. Khi mở ra thành tablet, bạn hoàn toàn có thể cầm nắm máy bằng một tay. Galaxy Fold lúc này trở thành một chiếc tablet hơi nhỏ một chút, có thể nhiều người sẽ không thích điều này, nhưng càng dùng lâu, bạn sẽ càng thấy nó hữu dụng.

Màn hình lớn của máy có kích thước 7.3-inch, tỉ lệ gần 4:3. Nó rất sáng, và bạn có thể dùng nó theo kiểu mở phẳng hoàn toàn hoặc mở nửa vời như một cuốn sách giấy. Như đã nói ở trên, bạn sẽ thấy có một vết hằn ở chính giữa màn hình khi nhìn từ một góc nhất định, nhưng vết hằn này hầu như sẽ biến mất khi bạn nhìn từ chính diện. Bạn còn có thể cảm nhận vết hằn – hơi thất vọng một chút, nhưng bạn sẽ quen thôi.

Galaxy Fold còn có một cái rãnh (notch) ở góc trên bên phải, trong đó chứa hai camera và nhiều cảm biến tiệm cận và cảm biến ánh sáng mà mọi điện thoại đều cần. Chiếc notch này đôi lúc che chắn tầm nhìn. Ví dụ, khi xem YouTube ở chế độ toàn màn hình, video sẽ bị cắt mất một góc. Tất nhiên, Samsung cho phép bạn giấu chiếc notch này đi bằng một thanh đen chạy ngang trên đỉnh màn hình, tương tự các thiết bị Galaxy hiện nay vậy. Samsung còn phải làm một số việc khác để biến màn hình trở nên linh hoạt. Ví dụ, keo dính giữ các lớp màn hình khác nhau phải được làm lại hoàn toàn.

Về mặt phần mềm, mọi thứ nằm trong khoảng “chấp nhận được, đến mức đáng ngạc nhiên”. Nghe có vẻ như một lời chê bai, nhưng ở đây, nó không hề có nghĩa đó. Android có lịch sử không mấy tốt đẹp với tablet, nhưng màn hình của Fold đủ nhỏ để không tạo nên một khác biệt lớn. Máy có một thứ gọi là “App Continuity”, vốn là tên gọi của Samsung dành cho một tính năng của Android vốn cho phép ứng dụng bạn đang xem trên màn hình nhỏ phía trước tự động mở ra và thay đổi kích cỡ hợp lý trên trên màn hình.

Việc thay đổi kích cỡ các ứng dụng sao cho phù hợp từ lâu đã là một nhược điểm trên Android, nhưng Samsung và Google đã hợp tác cùng nhau để khắc phục điều đó trên nhiều ứng dụng. Một tác dụng phụ của việc này là Samsung cho phép bạn có thể chia màn hình để chạy đến 3 ứng dụng khác nhau cùng lúc. Bạn trượt ngón tay từ cạnh phải màn hình để mở thanh dock chứa các ứng dụng được dùng gần đây và chạm vào một ứng dụng trong đó để mở nó ra ở chế độ chia màn hình. Sau đó bạn có thể làm thêm lần nữa để mở một ứng dụng thứ ba, và ứng dụng này sẽ được đặt ở bên tay phải.

Các cửa sổ đang hoạt động được đánh dấu bằng các thanh hình thoi nhỏ ở trên đỉnh mỗi ứng dụng, và bạn có thể chạm vào một trong số chúng để đưa ứng dụng sang vị trí khác, hoặc mở thêm nhiều tùy chọn chia cửa sổ khác. Bạn thậm chí có thể mở ứng dụng dưới dạng cửa sổ và kéo chúng quanh màn hình cũng như thay đổi kích thước các cửa sổ.

Tất cả những điều này có lẽ chẳng lạ gì đối với các fan Samsung, khi mà đây đều là các tính năng có thể thấy trên các thiết bị chạy One UI của hãng. Nhưng đối với những người dùng khác, mọi thứ sẽ hơi rối rắm. Cuối cùng, các ứng dụng Android hiển thị trên màn hình lớn từ lâu đã không “ngon” như các ứng dụng iPad. Nhưng một lần nữa, vì màn hình tablet của Galaxy Fold khá nhỏ nên yếu điểm này có thể không nghiêm trọng.

Và nếu bạn là một fan Samsung, bạn sẽ thấy vui vì nút cảm biến vân tay nay còn kiêm vai trò nút Bixby. Phía trên nút này là nút nguồn và nút điều chỉnh âm lượng.

Về mặt cấu hình, Galaxy Fold rất giống Galaxy S10 Plus. Máy có vi xử lý Snapdragon 855, RAM 12GB, bộ nhớ trong 512GB. Camera cũng tương tự S10 Plus, nhưng Galaxy Fold có nhiều camera hơn. Pin máy là 4.380mAh, các cell pin nằm ở cả hai bên bản lề màn hình – chưa biết viên pin này có đủ dùng cả ngày như Samsung khẳng định hay không. Nhưng xét việc Fold được phát triển dựa trên công nghệ của S10, và S10 có thời lượng pin khá tốt, thì chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan.

Ở mặt sau máy, bạn sẽ thấy một cụm 3 camera: một camera thường, một camera telephoto, và một camera góc rộng. Khi điện thoại đóng lại, có một ống kính đơn 10-megapixel ở mặt trước. Khi bạn mở để lộ màn hình lướn, có một chiếc notch lớn chứa một camera khác, kèm theo một camera RGB cảm nhận chiều sâu.

Như vậy Fold có đén 6 camera – quá nhiều chăng? Có lẽ Samsung chỉ cần trang bị một camera đơn ở màn hình bên trong khi dùng ở chế độ tablet, và một cụm camear kép ở bên ngoài, từ đó giảm kích cỡ chiếc notch bên trong đi.

Galaxy Fold có những điểm chưa tốt về phần mềm, và màn hình gập của nó cũng không mang lại cảm giác cao cấp như các màn hình khác trong cùng mức giá. Có rất nhiều lý do để quay lưng với Fold, đặc biệt là giá bán khá cao, gần 2.000 USD.

Nhưng ý tưởng của chiếc điện thoại này là thứ bạn không thể quay lưng. Samsung đã đạt được một điều gì đó đặc biệt với Fold, ngay cả khi chiếc máy của họ vẫn cần được hoàn thiện thêm.

Nó là một chiếc điện thoại màn hình gập hoạt động được – như vậy là rất tuyệt rồi. Mọi hoài nghi bạn dành cho Galaxy Fold sẽ biến mất ngay khoảnh khắc đầu tiên bạn mở nó ra.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo ttvn.vn)