RAM 16GB trên Galaxy S20 Ultra là quá thừa?
Trong năm 2020, trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều mẫu smartphone cao cấp được trang bị RAM 16GB. Trước đó, một vài flagship 2019 như OnePlus 7T Pro hay Asus ROG Phone 2 đã tiên phong trang bị 12GB RAM, thay vì 8GB RAM như trước.
Smartphone 16GB RAM là điều tất yếu phải đến. Mới đây nhất, Samsung đã khai phát súng đầu tiên khi cho ra mắt biến thể cao cấp nhất Galaxy S20 Ultra với tùy chọn bộ nhớ RAM 16GB.
41.990.000₫
26.990.000₫
16GB RAM nghe có vẻ khá thú vị, cũng như trở thành điểm nhấn giúp các nhà sản xuất dựa vào để quảng bá, nhưng liệu thực sự người dùng có sử dụng hết ngần ấy RAM hay không? Nó hữu ích hay lại quá thừa thãi? Hãy cùng Android Authority tìm hiểu dưới đây:
Đôi lời về khả năng quản lý bộ nhớ trên Android
Bất cứ khi nào bạn chạm vào một biểu tượng ứng dụng, hệ điều hành (HĐH) Android sẽ tạo ra một tác vụ xử lý để chạy ứng dụng đó. Lúc này, nhân của HĐH, kernel Linux sẽ quản lý tài nguyên hệ thống, bao gồm thời gian CPU và bộ nhớ để mỗi ứng dụng xử lý tác vụ. Khi có đủ hai yếu tố ấy, nhân kernel sẽ có thể tự do phân chia tài nguyên. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nguồn cung không đủ.
Việc thời gian CPU bị hạn chế sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng của thiết bị. Tuy mọi tác vụ vẫn sẽ được xử lý hoàn tất, nhưng tốc độ để xử lý lại không được nhanh như mong đợi. Còn với RAM thì khác. Khi thiết bị không còn bộ nhớ trống, việc chờ đợi lâu hơn hoặc mọi thứ đều chậm đi là hệ quả thiết yếu của việc thiếu RAM. Vì vậy, các nhân xử lý cần phải chủ động để làm mới bộ nhớ RAM.
Tính đến nay, các sản xuất có hai tùy chọn sử dụng RAM cho HĐH Android. Đầu tiên là giải pháp “swapping” với zRAM. Android sẽ phân bổ một đoạn bộ nhớ vật lý để hoán đổi, tương tự như trên PC và các máy chủ.
Khi bộ nhớ chính đạt mức cao, các trang có dung lượng bộ nhớ ít được sử dụng nhất sẽ được chép ra đĩa, và bộ nhớ mà chúng chiếm giữ trước đó sẽ được làm trống và có sẵn để thực hiện các quy trình khác. Nếu sau đó hệ thống cần những vùng bộ nhớ bị hoán đổi, chúng sẽ được chép lại từ đĩa, và phân bổ ở vị trí nơi chúng đã được lấy đi.
Một điều mà đến nay Android vẫn chưa thể thực hiện được là hoán đổi sang bộ nhớ trong, bởi hiện nó đang sử dụng bộ nhớ flash và có thời gian ghi tương đối hạn chế. Thay vào đó, hệ thống sẽ sử dụng zRAM để nén bộ nhớ và ghi vào một phần khác của vùng lưu trữ.
Ký hiệu “z” được dùng ở đây là chỉ đến việc sử dụng tệp mở rộng ‘.z' để nén file. Giả sử cho tỷ lệ nén là 50% thì 128KB RAM có thể giảm xuống còn 64KB, và giải phóng đi 64KB. Bộ nhớ nén không thể sử dụng trực tiếp, vì vậy nếu Android cần lại phần dung lượng nào đó thì nó phải được giải nén và sao chép vào bộ nhớ.
Nhưng nếu không thể giải phóng đủ RAM bằng cách dùng zRAM, hoặc thiết bị không được thiết kế để nhà sản xuất sử dụng zRAM (không phải thiết bị Android nào cũng dùng zRAM) thì lúc này, nhân kernel cần hoạt động nhiều hơn và bắt đầu giải phóng các tác vụ ứng dụng cũ ra khỏi bộ nhớ.
Ví dụ, nếu bạn cho chạy trò Temple Run vào ba ngày trước và thoát ra, nhưng lại không bao giờ vào lại, thì sau đó, Android có thể tự cho rằng người dùng không cần đến tác vụ này và xóa nó khỏi bộ nhớ RAM. Khi ấy, lượng bộ nhớ thu về có thể được dùng cho các ứng dụng chạy nền.
Và cứ như thế, các ứng dụng nào cũ mà người dùng quên giải phóng sẽ được xóa đi, để nhường chỗ cho các tác vụ mới hơn. Từ đó, mọi nhà phát triển đều lưu ý việc ứng dụng của họ có thể bị tải lại toàn bộ khi bộ nhớ RAM đầy.
Đồng thời, hệ thống Android cũng cố gắng phát đi cảnh báo, giúp các ứng dụng có thể lưu lại tình trạng hoạt động cuối cùng. Để rồi khi vào lại, hệ thống có thể đọc thông tin tình trạng gần nhất mà ứng dụng đã lưu.
Một vài ứng dụng tiêu tốn rất nhiều dung lượng RAM của thiết bị
Trường hợp xấu nhất là khi một ứng dụng lớn (có thể là một trò chơi) được khởi chạy và các ứng dụng nhỏ hơn cần phải được xóa khỏi bộ nhớ RAM để nhường chỗ cho ứng dụng hoạt động. Đây là việc có thể được dự đoán trước, nhưng nó lại gây phiền toái cho người dùng rằng khi họ chuyển sang một ứng dụng khác, tất cả mọi dữ liệu trong trò chơi đều sẽ phải tải lại và khôi phục phần trạng thái đã lưu.
Tất nhiên, nó không phải là lỗi và các nhà sản xuất bắt buộc phải trang bị nhiều RAM hơn để khắc phục. Cũng như đó là một hệ quả khi ta ép quá nhiều thứ vào một không gian hạn chế, khi ấy tất cả đều “tràn ra ngoài”.
Có một ý kiến cho rằng người dùng đã chi trả hàng nghìn đô la để sở hữu một chiếc flagship, vì thế nên chúng cần giảm thiểu những “phiền toái” ấy xuống mức tối thiểu. Để làm được điều đó, thiết bị cần nhiều RAM hơn. Nhưng bao nhiêu là đủ?
Thông thường, một ứng dụng năng suất, phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chỉnh sửa ảnh hay một trò chơi cơ bản sẽ cần 400MB RAM để hoạt động. Tuy nhiên, con số ấy vẫn chỉ là quy ước vì có một vài ứng dụng cần nhiều bộ nhớ hơn, hoặc ít hơn.
Ví dụ, nếu thiết bị có 6GB RAM và sau khi khởi động còn trống 3.5GB RAM thì người dùng có thể chạy cùng lúc 9 ứng dụng trong nền mà không cần lo thiết bị sẽ bị tràn RAM. Điều đó đồng nghĩa người dùng có thể chuyển qua lại giữa nhiều ứng dụng mà sẽ không có cái nào bị tải lại.
Nhưng có một vài tựa game trên cửa hàng Play Store lại chiếm bộ nhớ RAM rất lớn khi hoạt động. Có thể kể đến như Asphalt 9 hay Real Racing 3 thường sử dụng từ 1GB đến 1.4GB RAM, khiến cho khi chúng hoạt động, thiết bị chỉ được lưu thêm 1 hoặc 2 tác vụ.
Nếu bạn có một thiết bị với 8GB RAM, 5GB có sẵn thì bạn sẽ có thể mở 10 ứng dụng và một trò chơi “nặng” trong cùng một lúc, chuyển qua chuyển lại giữa các ứng dụng mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Đây cũng được coi là một mức lý tưởng ở thời điểm hiện tại.
Galaxy S20 Ultra, chiếc smartphone cao cấp nhất trong bộ ba Galaxy S20 của Samsung được trang bị 16GB RAM, ngang ngửa, thậm chí hơn đa số máy tính để bàn, laptop ngày nay. Và nó thể làm được những gì? Được biết, nếu ta cho chạy cùng lúc Fortnite + Asphalt 9 + Real Racing 3 thì mức dung lượng RAM máy chiếm là 3.7GB, vẫn còn trống từ 8 đến 9GB RAM, thoải mái cho hơn 20 loại ứng dụng khác nhau hoạt động.
Khi cho ra mắt Galaxy S20 Ultra, Samsung đã muốn nhắm đến một phân khúc nhỏ của thị trường smartphone cao cấp. Nhưng liệu những người dùng sở hữu có thực sự cảm nhận được sự khác biệt giữa mức dung lượng RAM 12GB và 16GB hay không? Nó dường như là rất khó, mặc dù Samsung đã giới thiệu một tính năng độc đáo liên quan đến dung lượng RAM khủng trên Galaxy S20 Ultra có tên gọi App Pinning.
Vậy App Pinning là gì?
App Pinning (tạm dịch: Ghim ứng dụng) sẽ cho phép người dùng chỉ định ứng dụng nào được giữ chạy nền liên tục. Và Samsung cho phép ghim cùng lúc tối đa 5 ứng dụng, bao gồm các trò chơi. Ý tưởng này sẽ hữu ích đối với những ai thích chơi game, giúp nó luôn được tải và sẵn sàng bất cứ khi nào người dùng cần.
Đây thực sự là một tính năng hay, hữu ích và là thứ nên có trên hệ điều hành Android gốc, bởi nó không chỉ dành cho các smartphone có nhiều bộ nhớ RAM. Trước đó, Xiaomi cũng từng đưa tính năng ghim ứng dụng lên giao diện MIUI, nhưng rất tiếc, nhược điểm của các smartphone Xiaomi lại là khả năng đa nhiệm kém nên không thể tận dụng triệt để tính năng này.
Tuy nhiên, cũng nên ngầm công nhận rằng lý do duy nhất để một chiếc smartphone có bộ nhớ RAM còn nhiều hơn cả một chiếc máy tính Windows tầm trung là vì chúng ta vẫn muốn duy trì ứng dụng chạy ngầm.
Nó không giúp ứng dụng chạy nhanh hơn, không cải thiện tốc độ của giao diện người dùng, không tăng hiệu năng GPU, không cải thiện thời lượng pin, không mang đến tốc độ tải xuống nhanh hơn cũng như không làm cho thiết bị sạc nhanh hơn. Việc nhiều RAM sẽ chỉ giúp bạn không gặp phải trường hợp tải lại một ứng dụng nào đó, giúp quá trình sử dụng được mượt mà và tốt hơn mà thôi.
[ssn_product id=40344 name=Samsung Galaxy S20 Ultra]Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Nguồn: vnreview.vn