Hầu hết mọi người không biết, hoặc không quan tâm đến vi xử lý trong điện thoại họ đang dùng

Và hóa ra, đó lại là điều tốt.

Cuộc tranh luận xoay quanh những vi xử lý đáng được trông chờ trên một chiếc smartphone đã trở lại trong năm 2020, sau nhiều năm trời âm thầm nhường chỗ cho những nhu cầu khác của người tiêu dùng. Có lẽ nguyên nhân của điều này chủ yếu xuất phát từ những chiếc smartphone cao cấp có giá ngày càng đắt đỏ bởi những chi phí gia tăng đi kèm với chip Snapdragon 865, và từ việc một số công ty đưa ra quyết định “lùi bước”, chuyển sang sử dụng các vi xử lý thuộc dòng Snapdragon 700 thường thấy trên các mẫu smartphone giá thấp hơn.

Hầu hết mọi người không biết, hoặc không quan tâm đến vi xử lý trong điện thoại họ đang dùng

Tuy nhiên, nếu bạn đang định lao đầu vào một cuộc tranh cãi về vi xử lý, hãy nhớ rằng đại đa số người dùng đơn giản là chẳng hề quan tâm vi xử lý nào đang nằm trong chiếc điện thoại của họ – trên thực tế, hầu hết mọi người thậm chí còn không biết họ đang sử dụng vi xử lý gì! Và ngay cả những người nắm được thông tin đó có lẽ cũng không đặt nặng vấn đề vi xử lý khi cân nhắc mua sắm chiếc điện thoại tiếp theo của họ.

Bạn không đọc nhầm đâu. Nghiên cứu đã cho thấy người tiêu dùng thông thường không đưa yếu tố vi xử lý vào danh sách những thứ cần cân nhắc khi đưa ra quyết định mua sắm. Nghiên cứu này được thực hiện bởi công ty Global Web Index, và kết quả của nó cho thấy 4 yếu tố lớn ảnh hưởng đến quyết định nâng cấp điện thoại của người dùng bao gồm: thời lượng pin, dung lượng lưu trữ, tốc độ, và chất lượng camera.

Bạn sẽ nói “tốc độ” kia chẳng phải liên quan đến vi xử lý hay sao? Đừng nhầm “máy quá chậm” với “vi xử lý quá tệ” chứ – mọi người chỉ muốn một chiếc điện thoại hoạt động nhanh nhạy và ổn định, họ không thực sự quan tâm về thông số của vi xử lý. Và như nhiều người trong số chúng ta đã biết, hiệu năng tổng thể của một chiếc smartphone liên quan đến khá nhiều yếu tố, trong đó một phần lớn đến từ mức độ tối ưu hóa của phần mềm (và của các ứng dụng mà người dùng đã cài đặt), cùng với lượng bộ nhớ trong máy, chứ không chỉ tốc độ vi xử lý.

Cũng nghiên cứu nói trên tiết lộ rằng đối với những người đã mua các điện thoại cao cấp, có hơn 50% trung thành với nhãn hiệu smartphone họ đang sử dụng. Một số thống kê cho thấy sự trung thành với nhãn hiệu thậm chí còn cao hơn, và có thể là một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định mua sắm. Những người dùng Samsung sẽ chọn một chiếc điện thoại Samsung khác trong gần 65% trường hợp mua sắm, và đối với người dùng Apple, con số này lên đến 75%. Do đó, trước khi bạn bước vào giai đoạn lựa chọn điện thoại dựa trên thông số phần cứng, nhiều khả năng bạn đã chọn ra được một vài mẫu sẽ mua đơn giản chỉ cần dựa trên nhãn hiệu!

Điều này đã được chứng minh khá nhiều lần, đặc biệt trên thị trường những chiếc điện thoại giá tốt. Có một lý do giải thích cho việc những chiếc điện thoại như vậy thường có màn hình lớn, nhiều camera, và thiết kế bên ngoài bóng bẩy: đó mới chính là những thứ giúp máy bán được, không phải những thông số cấu hình cứng nhắc bên trong. Nếu ai đó có thể mua một chiếc điện thoại với màn hình lớn hơn và thời lượng pin lâu hơn, họ sẽ tập trung vào những điểm đó thay vì vào một thứ nhàm chán như vi xử lý hay bộ nhớ trong. Từ quan điểm chi phí sản xuất, việc tăng kích cỡ màn hình hay pin cũng rẻ hơn nhiều so với việc trang bị cho điện thoại một vi xử lý mới cao cấp hơn. Quả là một công thức hoàn hảo mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Samsung là một ví dụ cụ thể minh chứng cho việc liệu người ta có thực sự quan tâm đến vi xử lý bên trong điện thoại của họ hay không. Chiếc Galaxy A51 giá 350 USD của hãng là chiếc điện thoại bán chạy nhất trong quý I/2020, và nó đạt được doanh số ấn tượng mà chỉ cần vi xử lý Exynos 9611 cơ bản – đáng nói hơn, nhiều bài đánh giá về chiếc điện thoại này không hề liệt kê hiệu năng như một vấn đề cần nhắc đến của máy. Không ai biết vi xử lý của A51 là gì, và với một mẫu máy tầm trung, ai cũng đoán được hiệu năng của nó sẽ không ấn tượng, ấy thế nhưng A51 vẫn bán đắt như tôm tươi.

Samsung không hề quảng cáo nhiều về các vi xử lý Exynos của mình, đến mức họ đơn giản chỉ ghi “vi xử lý 4 nhân” hoặc “vi xử lý 8 nhân” trên bảng thông số của bất kỳ sản phẩm nào được trang bị Exynos, bởi trong suy nghĩ của Samsung, cái tên không quan trọng. Nếu bạn cho rằng đây là cách marketing phổ biến ở phân khúc bình dân, thì hãy nhớ là Samsung cũng làm điều tương tự với những chiếc điện thoại Galaxy S giá hơn 1.000 USD của họ – những chiếc điện thoại hướng đến số đông người tiêu dùng, đặc biệt là những người sành sỏi về smartphone: dùng rất nhiều từ ngữ hoa mỹ để quảng cáo về thiết kế, camera, màn hình, thời lượng pin…, và không một chút về vi xử lý. Trên website của Galaxy S20, cho dù bạn mò mẫm vào tận trang thông số chi tiết, dòng thông tin duy nhất về vi xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức “vi xử lý 8 nhân 64-bit 7nm” mà thôi.

Hầu hết mọi người không biết, hoặc không quan tâm đến vi xử lý trong điện thoại họ đang dùng

Qua nhiều năm, Samsung đã liên tục sử dụng cả vi xử lý Qualcomm và vi xử lý Exynos “cây nhà lá vườn” trên các mẫu điện thoại giống hệt nhau nhưng bán tại các thị trường khác nhau trên toàn cầu (phiên bản quốc tế của dòng Galaxy S6 được trang bị vi xử lý Exynos chứ không phải Snapdragon!). Người tiêu dùng biết Samsung sử dụng các vi xử lý Exynos của hãng ở một số thị trường – và thậm chí còn biết rằng những con chip này có hiệu năng kém hơn những con chip Qualcomm trên các mẫu máy tương tự. Thế nhưng dòng Galaxy S vẫn được chào đón tại các thị trường đó.

Chỉ những người tiêu dùng đam mê thực sự hiểu rõ về những khác biệt rắc rối của các vi xử lý khác nhau, và để yếu tố vi xử lý tác động đến quyết định mua sắm của họ. Dù rằng những người đam mê này hầu hết là những người đầu tiên sở hữu những sản phẩm mới, và có thể gây ảnh hưởng đến sự phổ biến trong thời gian đầu của một chiếc điện thoại, thì đến cuối cùng, lựa chọn của số đông vẫn đóng vai trò quan trọng. Và một sự thật đã được chứng minh hết lần này đến lần khác là về tổng thể, người ta mua điện thoại dựa trên rất nhiều yếu tố khác chứ không phải vi xử lý.

Những người dùng đam mê điện thoại biết sẽ có lúc họ không thể sở hữu được những vi xử lý “đỉnh của đỉnh”, và tự động quy chụp điều đó là một thứ gì đó rất tồi tệ – kể cả khi, giống như số đông người tiêu dùng còn lại, họ nhận ra trải nghiệm sử dụng điện thoại trên thực tế là không hề có sự khác biệt. Kỳ lạ thay, những người này có thể chấp nhận được những thông số không mấy lý tưởng khác của điện thoại, như một màn hình tối hơn bình thường, camera trước không có lấy nét tự động, không có camera góc rộng ở phía sau, chất lượng ống kính kém, không có sạc không dây… Họ đơn giản là không thể chấp nhận sử dụng một con chip Snapdragon 765 thay vì 865, nhưng có thể bỏ qua những vấn đề khác của chiếc smartphone dự định mua.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc kỳ vọng mọi mẫu điện thoại cao cấp đều phải được trang bị vi xử lý mạnh nhất và tốt nhất ở thời điểm ra mắt là không hề hợp lý chút nào. Giống như mọi thành phần khác của smartphone, các công ty ngày càng có nhiều sự lựa chọn đối với vi xử lý. Các vi xử lý hiện nay đã quá mạnh, đến mức chẳng còn bao nhiêu lý do chính đáng để phải sử dụng một con chip cao cấp hơn nữa – thông thường, một smartphone được trang bị một con chip cao cấp nhất đơn giản là bởi đó chính là lựa chọn tốt nhất có thể thực hiện.

Giá linh kiện đang tăng dần đều, đặt áp lực nặng nề lên các công ty điện thoại, đến mức họ nhận ra rằng chỉ vì một nhãn hiệu từ trước đến nay sử dụng những con chip cao cấp thì nay cũng phải như vậy là một điều bất hợp lý. Một con chip cao cấp chỉ được lựa chọn nếu nó mang lại một tính năng, hoặc một khả năng cụ thể, thu hút được người tiêu dùng, khiến họ phải bỏ tiền ra mua máy.

Tất cả những điều nêu trên không đồng nghĩa rằng vi xử lý không phải là một linh kiện quan trọng của smartphone. Chúng ta quan tâm đến rất nhiều thứ mà một SoC (system-on-chip) có thể gây ảnh hưởng và hỗ trợ, như tần số làm tươi màn hình, hiệu năng chơi game, các kết nối, tính năng camera, và thời lượng pin… Nhưng đây là một lời nhắc rằng nếu trải nghiệm sử dụng điện thoại đủ tốt, người tiêu dùng sẽ không quan tâm đến cái tên được khắc trên SoC kia nữa, hay kích cỡ, số nhân, hay xung nhịp của nó. Và rằng, tên gọi hay nhãn hiệu của SoC chưa bao giờ thể hiện được những khả năng thực sự của chúng, cũng như giải thích tại sao bạn lại cần nó hơn những cái khác.

Đừng mua một chiếc điện thoại có vi xử lý với những con số to tát rồi nghĩ rằng đó là chiếc điện thoại tốt nhất, và đừng bỏ qua một chiếc điện thoại mà có lẽ bạn sẽ thích chỉ vì nó có một vi xử lý kém hơn. Hãy mua chiếc điện thoại mang lại cho bạn sự kết hợp hài hòa nhất giữa tính năng và khả năng.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Nguồn: vnreview.vn