Đánh giá Galaxy M20: câu trả lời của Samsung với smartphone Trung Quốc
Đây là sản phẩm đầu tiên trong dòng Galaxy M mới của Samsung gánh trách nhiệm cạnh tranh với các thương hiệu điện thoại Trung Quốc ở phân khúc tầm trung sôi động.
Galaxy M20 lần đầu tiên ra mắt vào cuối tháng 1/2019 tại Ấn Độ, thị trường Samsung đang bị các thương hiệu Trung Quốc Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme cạnh tranh ngôi vị số 1. Ở Việt Nam, Galaxy M20 được bán ra vào giữa tháng Hai với giá 4,99 triệu đồng cho phiên bản RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB. Sản phẩm này còn có phiên bản RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB hiện chưa có thông tin về thời điểm mở bán cũng như giá chính thức.
41.990.000₫
26.990.000₫
Để cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc, Samsung đưa vào khá nhiều thay đổi ở Galaxy M20. Đây là sản phẩm đầu tiên của hãng có màn hình “tai thỏ”, là smartphone tầm trung đầu tiên có pin 5.000 mAh và có camera góc siêu rộng. Tuy vậy, vẫn còn đó một chi tiết ở Galaxy M20 chưa thể qua mặt được các điện thoại Trung Quốc cùng tầm giá.
Thiết kế: chạy theo trào lưu màn hình “giọt nước”
Galaxy M20 thay đổi hoàn toàn về thiết kế so với các smartphone tầm trung trước đó của hãng điện thoại Hàn Quốc. Đây là điện thoại đầu tiên của Samsung đi theo trào lưu màn hình “tai thỏ, giọt nước”, chi tiết thiết kế hãng này đã kiên quyết cự tuyệt suốt cả năm 2018.
Màn hình “giọt nước” được Samsung gọi là Infinity-V (có lẽ bởi nó trông giống hình chữ V) trên Galaxy M20 trông giống với các điện thoại của Oppo ra mắt gần đây như Oppo F9 hay Oppo R17 Pro. “Giọt nước” này chứa camera trước 8MP cùng cảm biến ánh sáng và cảm biến tiệm cận. Khe loa thoại được đặt trên viền màn hình ngay phía trên “giọt nước”. Nhờ thiết kế “giọt nước”, viền màn hình của máy trông khá mỏng. Tỷ lệ màn hình/mặt trước là 83,6%, tương đương với smartphone cao cấp Galaxy S8 đời cũ.
Máy có thiết kế thân nhựa, mặt lưng bằng nhựa bóng và được bo cong mạnh, cầm ôm tay và cũng không có cảm giác trơn tay. Tuy vậy, mặt lưng dễ bám vân tay và ở bản màu xanh chúng tôi sử dụng thì dấu vân tay dễ nhận thấy.
Galaxy M20 có viên pin dung lượng lớn 5.000 mAh nhưng độ dày thân máy (8,8mm) và trọng lượng (186g) ở mức hợp lý. Các phím nguồn và cảm biến vân tay trên mặt lưng được đặt ở vị trí dễ bấm, riêng phím âm lượng hơi cao phải với tay mới tới. Samsung đưa vào điện thoại này cổng USB Type C hỗ trợ sạc nhanh để rút ngắn thời gian sạc đầy cho viên pin lớn.
Màn hình: lớn, sáng và màu sắc trung tính
Galaxy M20 sử dụng màn hình kích cỡ 6.3 inch tỷ lệ dài 19,5:9 nên bề ngang của máy thuôn gọn, vừa tay. Độ phân giải Full HD+ cho mật độ điểm ảnh 409 PPI đủ để hiển thị nội dung sắc nét. Tấm nền PLS LCD trên điện thoại này thực ra là một loại tấm nền IPS LCD nhưng do Samsung sản xuất, có thể hiểu đơn giản là phiên bản IPS LCD của Samsung. Điểm cộng ở tấm nền của màn hình này là có độ sáng tối đa cao, màu sắc trung tính chứ không rực lên như các máy dùng màn hình Super AMOLED và góc nhìn tương đối rộng.
Khi so sánh với màn hình của chiếc Asus Zenfone Max Pro M2 thì màn hình của 2 máy trông rất tương đồng ở cả độ sáng, màu sắc và góc nhìn. Màn hình của hai máy cùng có điểm hạn chế chung là bị phản chiếu, vì vậy khi dùng trời thì phải nhìn trực diện vào màn hình mới có thể xem rõ còn nếu nhìn vào ở góc chếch sẽ thấy bị lóa.
Với nhu cầu giải trí online, màn hình của Galaxy M20 cũng hỗ trợ chuẩn Widevine L1 nên xem được nội dung ở độ phân giải Full-HD trên các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Google Play Movies hay Amazon Video. Chuẩn Widevine L1 bắt đầu được chú ý sau khi chiếc Pocophone F1 bị phát hiện không hỗ trợ nên không xem được nội dung HD từ các dịch vụ trực tuyến.
Phần mềm và hiệu năng: đủ dùng cơ bản, chưa đủ chiến game
Về hiệu năng, Galaxy M20 được trang bị bộ vi xử lý Exynos 7904 vừa ra mắt hồi đầu năm. Vi xử lý này được sản xuất trên tiến trình 14nm FinFET, có 2 nhân tốc độ cao Cortex-A73 tốc độ 1.8GHz và 6 nhân tiết kiệm điện Cortex-A53 tốc độ 1.6GHz đi kèm GPU Mali-G71 MP2.
Ở phiên bản RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB chính hãng hiện nay, Galaxy M20 đạt điểm không cao khi so sánh với các sản phẩm cùng tầm giá sử dụng vi xử lý Snapdragon 636 của Qualcomm hay Helio P60 của Mediatek. Đặc biệt, khả năng xử lý đồ họa của con chip Exynos 7904 thấp hơn thấy rõ so với Snapdragon 636.
Trong sử dụng thực tế, cấu hình này đủ để xử lý nhẹ nhàng và ổn định các tác vụ cơ bản trên điện thoại như lướt web, nghe nhạc, xem YouTube hay chụp ảnh. Máy cũng đủ chơi tốt các game phổ thông nhẹ nhàng nhưng với các game đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý đồ họa như game sinh tồn PUBG Mobile hay game bắn súng Warhammer 40,000: Freeblade thì máy chơi giật với tốc độ khung hình thấp, khó chơi.
Nhìn chung, hiệu năng của Galaxy M20 đủ cho nhu cầu sử dụng thông thường, không phù hợp với người dùng thích chơi game, đặc biệt là các game nặng.
Về phần mềm, Galaxy M20 hiện cài sẵn bản Samsung Experience 9.5 tùy biến dựa trên Android 8.1. Giao diện và chức năng phần mềm trên Galaxy M20 không khác các máy tầm trung gần đây của Samsung như Galaxy A7 2018.
Với “khía chữ V”, Samsung cho phép người dùng ẩn đi nếu muốn trong phần cài đặt. Ngoài ra, người dùng cũng có thể bật tùy chọn hiển thị toàn màn hình với các ứng dụng cài trên điện thoại, để không còn vạch đen ở cạnh trên nữa. Khi bật hiển thị toàn màn hình, phần “khía chữ V” có diện tích nhỏ, không gây khó chịu như “tai thỏ” hình chữ nhật trên các điện thoại khác. Ở phía dưới, Samsung cũng cho phép ẩn các phím điều hướng Back, Home và đa nhiệm để chuyển sang thao tác cử chỉ.
Máy cũng có gần đầy đủ tính năng quen thuộc trên điện thoại Samsung như thay đổi giao diện theme; thư mục bảo mật (tạo không gian an toàn cho tập tin và ứng dụng, chỉ truy cập bằng mật khẩu hoặc vân tay); chia đôi màn hình (chạy hai ứng dụng song song cùng màn hình); mở khóa điện thoại bằng khuôn mặt với tốc độ nhận diện khá nhanh; ứng dụng kép Dual Messenger (cho phép sử dụng 2 ứng dụng Facebook, Messenger hay Skype… cùng lúc) và game launcher (đưa các game vào một nơi và hỗ trợ các công cụ chặn thông báo, ẩn các phím điều hướng, chụp màn hình và ghi màn hình khi chơi game).
Thời gian pin: điểm nhấn của sản phẩm
Viên pin dung lượng lớn và hỗ trợ sạc nhanh là điểm sáng ở sản phẩm này. Trong các bài đo quen thuộc của chúng tôi, máy có thời lượng pin ở mức rất tốt, tương đương chiếc Asus Zenfone Max Pro M2 cũng có pin 5000 mAh. Với kết quả này, người dùng thông thường có thể sử dụng máy trong khoảng 2 ngày mới phải sạc lại.
Galaxy M20 hỗ trợ công nghệ sạc nhanh của Samsung với tốc độ sạc 15W (9V/1.67A), tương tự chuẩn sạc nhanh trên các máy cao cấp của Samsung và cũng tương thích với chuẩn sạc Quick Charge 2.0 của Qualcomm. Sử dụng củ sạc nhanh đi kèm, máy mất khoảng 2h15 phút để sạc đầy viên pin 5000 mAh, trong đó 1 giờ đầu sạc được 50% dung lượng của viên pin.
Camera chính chụp đủ sáng khá ổn, camera góc rộng và thiếu sáng chất lượng trung bình
Samsung Galaxy M20 có cụm camera kép phía sau gồm camera chính độ phân giải 13MP, khẩu độ f/1.9 hỗ trợ lấy nét theo pha và camera 5MP góc rộng 120 độ, khẩu f/2.2 để chụp kiến trúc, phong cảnh. Máy cũng hỗ trợ chụp chụp xóa phông trên cả camera sau và trước. Ở phía trước, máy có camera 8MP khẩu độ f/2.0 hỗ trợ HDR để chụp selfie tốt hơn trong điều kiện ngược sáng.
Ở điều kiện đủ sáng, M20 có với tốc độ khá nhanh. Camera chính 13MP cho ảnh với màu sắc tươi tắn, rực rỡ, nịnh mắt nhất là khi chụp chân dung, hoa lá. Chi tiết, độ nét cũng được đẩy lên cao. Nếu nhìn thóang qua có thể thấy ảnh cho độ nét tốt nhưng khi soi kỹ hơn vào các chi tiết, có thể nhận ra thuật toán đẩy độ nét (sharpen) và độ nổi khối (clairity) của Samsung đã làm hơi quá tay khiến ảnh có hiện tượng gai, không tự nhiên. Dải sáng trong ảnh khá, cân bằng ổn giữa các vùng sáng tối, giữ lại được nhiều chi tiết.
Với camera góc rộng 5MP, M20 có thêm một góc chụp linh hoạt, phù hợp cả với ảnh chân dung khi muốn lấy trọn cả khung cảnh và chủ thể. Camera này cũng sẽ phát huy tác dụng khi bạn chụp các công trình kiến trúc hay trong những không gian nhỏ hẹp. Dù vậy, chất lượng camera góc rộng của M20 không cao. Ảnh có màu sắc nhợt nhạt, độ sáng thấp, dải sáng hẹp, cân bằng trắng lệch lạc, chi tiết kém. So về màu sắc, độ nét, dải sáng, camera góc rộng đều kém hơn đáng kể camera chính 13MP.
Khi chụp thiếu sáng, ảnh của M20 thường được đẩy lên sáng hơn thực tế. Phong cách khử nhiễu mạnh tay vẫn tiếp tục được Samsung sử dụng. Ảnh có độ nhiễu thấp những chi tiết, độ nét cũng không cao, chỉ có màu sắc là vẫn được tái tạo theo hướng tươi tắn.
Camera góc rộng với khẩu độ nhỏ hơn (f/2.2) bộc lộ rõ hạn chế khi chụp thiếu sáng. Ảnh lúc này cho độ nét, chi tiết thấp, màu sắc bợt hẳn đi. Hiện tượng vỡ chi tiết có thể thấy rõ khi ISO bị đẩy lên cao nhưng máy vẫn cố khử nhiễu. Tuy nhiên, ở một số điều kiện thiếu sáng nhẹ như dưới ánh đèn phòng và chụp ở cự ly gần, camera góc rộng có thể cho ra những bức ảnh nhỉnh hơn camera chính.
Ở khả năng chụp xóa phông, M20 cho ra những bức ảnh xóa phông khá “ảo” với phần phông nền được xóa vừa phải, không quá mạnh tay, màu da hồng hào, trắng sáng và được tự động làm đẹp với hiệu ứng làm mịn. Máy cũng tự động zoom vào một chút để ảnh chân dung, xóa phông trông tự nhiên hơn. Nhưng có thể dễ dàng nhận ra ngay máy xóa phông còn nhiều lỗi, phần giao giữa tóc, vai với phông nền rất lem nhem, lộ rõ phần nền chưa được xóa hết.
Với camera selfie, khi tắt hết các hiệu ứng làm đẹp, M20 có thể cho ra những bức “tự sướng” với độ nét, chi tiết tốt. Màu sắc tái tạo tươi tắn, bắt mắt, dải sáng khá, ít bị lốp sáng. Dù vậy, khi bật làm đẹp, M20 vẫn gặp “bệnh” chung của các smartphone Samsung là cà mặt quá mạnh tay. Làn da trở nên giả tạo, chi tiết ảnh giảm mạnh, ảnh lúc này cũng dễ bị lốp sáng do độ sáng bị đẩy lên cao.
Việc cho phép xóa phông ở camera trước cũng là tính năng vui vẻ để bạn có thể sáng tạo thêm với những bức ảnh selfie của mình, nhất là khi khung cảnh phía sau không quá đặc biệt. Dù vậy, giống như camera sau, việc xóa phông ở camera selfie của M20 rất thiếu tự nhiên do máy xóa nhầm cả vào chủ thể, lẹm nhiều vào tóc hay tay.
Tổng kết
Samsung đã khéo léo đưa vào Galaxy M20 những điểm mà người dùng phổ thông hiện nay quan tâm khi mua smartphone. Đó là thời lượng pin khỏe, màn hình lớn chất lượng hiển thị ổn, thêm camera góc rộng để chụp linh hoạt ở các không gian hẹp cũng như phong cảnh kiến trúc và thiết kế màn hình viền mỏng.
Hiệu năng của điện thoại này có thể nói là ở mức đủ dùng cho nhu cầu cơ bản nhưng sẽ là hạn chế với những người dùng thích chơi game, đặc biệt là các game nặng đồ họa. Đây cũng là điểm mà nhiều điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Huawei hay Asus của Đài Loan vẫn tiếp tục có ưu thế hơn Samsung ở phân khúc giá tầm trung.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo vnreview.vn)