So sánh chi tiết Galaxy S10 dùng Snapdragon và Exynos: Đâu là phiên bản thích hợp với game thủ?

Đối với game thủ, Galaxy S10 phiên bản dùng Snapdragon 855 sẽ là sự lựa chọn phù hợp khi hiệu năng GPU cũng như độ ổn định về hiệu năng đều trội hơn đối thủ.

Phần lớn khách hàng sẽ không được lựa chọn giữa hai phiên bản chip Qualcomm Snapdragon 855 hoặc Samsung Exynos 9820 của Galaxy S10. Mặc dù vậy, sự khác biệt giữa hai con chip này vẫn kích thích trí tò mò của nhiều người trong số chúng ta.

Dựa trên những gì đã biết về các thành phần trong những bộ xử lý SoC này, bao gồm nhân CPU Cortex-A76 và nhân GPU Mali-G76 của ARM, chúng ta có thể dự đoán phần nào về hiệu năng của chúng. Nhưng sẽ chính xác hơn nếu có thể cùng benchmark và kiểm tra hai phiên bản chip khác nhau của chiếc Galaxy S10 này.

Điểm số benchmark giữa Snapdragon 855 và Exynos 9820

So sánh giữa Snapdragon 855 (trên Galaxy S10+) và Exynos 9820 (trên Galaxy S10).

Trước khi so sánh điểm số benchmark, bạn cần chú ý đến một chút khác biệt về thông số phần cứng giữa hai bộ xử lý này. Samsung Exynos 9820 sử dụng GPU Mali-G76 MP12, với xung nhịp chỉ đứng sau một chút so với Adreno 640 của Qualcomm.

Trên phương diện CPU, Samsung Exynos 9820 sẽ được trang bị hai nhân CPU do Samsung tùy chỉnh thế hệ thứ tư dành cho các tác vụ xử lý chính. Chúng là sự kết hợp của 2 lõi nhỏ Cortex-A75 và 4 lõi tiết kiệm năng lượng Cortex-A55. Trong khi đó, Snapdragon 855 trang bị 4 lõi Cortex-A76, cho dù một trong số chúng được tăng cường thêm bộ nhớ đệm và xung nhịp cao hơn dành cho băng thông bổ sung. Chúng cũng được đi kèm với 4 lõi Cortex-A55.

Điểm số benchmark CPU bằng Geekbench giữa Snapdragon 855, Exynos 9820 và Kirin 980.

Điểm số benchmark giữa 2 bộ xử lý này cho các kết quả rất thú vị. Nỗ lực tùy chỉnh của Samsung trên nhân CPU đã được đền đáp, ít nhất trong kết quả benchmark. Bộ xử lý Exynos trên Galaxy S10 có điểm số hiệu năng đơn nhân cao hơn 27,8% so với lõi Cortex-A76 đã được tinh chỉnh của Snapdragon 855.

Cho dù vậy, một điều đáng chú ý là mức hiệu năng của Exynos trong nhiều lần chạy Geekbench dường như không đồng nhất với nhau, cho thấy có thể có một số vấn đề về quản lý năng lượng và lập lịch hoạt động.

Trong bảng so sánh hiệu năng đa nhân, Snapdragon 855 nhỉnh hơn phiên bản Exynos 9820 khoảng 6,4%.

Điểm số GPU trong bài test 3DMark cho thấy Snapdragon 855 trội hơn cả Exynos 9820 và Kirin 980.

Như đã dự đoán từ trước, GPU Adreno 640 của Qualcomm cho thấy ưu thế của mình trước bộ xử lý đồ họa Mali-G76 MP12 của Exynos. Điểm số 3D Mark cho thấy chip của Qualcomm vượt trước đến 18% về chênh lệch khung hình khi đang chơi game. Điều này có thể làm những người sở hữu phiên bản Exynos cảm thấy phiền lòng.

Tuy nhiên, cả 2 phiên bản này đều chỉ đạt được 60 fps trong các bài test T-Rex và Manhattan của GFXBench. Các khác biệt giữa hai bộ xử lý sẽ phụ thuộc loại game mà bạn đang chơi, và Adreno chỉ chứng tỏ lợi thế của mình trong các tựa game có yêu cầu khắt khe hơn về đồ họa.

Điểm số AnTuTu cho tổng thể hệ thống của ba thiết bị: Galaxy S10+, Galaxy S10 và Huawei Mate 20 Pro.

Nhiệt độ và độ ổn định hiệu năng

Việc nóng lên trong quá trình test benchmark là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, theo cảm nhận của phóng viên Android Authority, phiên bản Exynos nóng lên đáng kể so với phiên bản Snapdragon.

Trong khi các ứng dụng đưa ra số liệu cảm biến bên trong thường không đáng tin cậy, vì các cảm biến này thường đặt tại các vị trí khác nhau trong mỗi thiết bị và SoC. Tuy nhiên, các thông số nhiệt độ trong thiết bị của Samsung cho thấy mức độ chênh lệch ổn định trong khoảng 5 độ C khi chạy full load.

Điện thoại nóng hơn rõ ràng không có lợi cho tuổi thọ pin và nhiệt độ hệ thống cao hơn sẽ dẫn đến việc hiệu năng bị sụt giảm nhanh hơn khi chạy các ứng dụng và trò chơi nặng. Phóng viên Android Authority đã chạy bài test Aztec Ruins của GFXBench song song trên cả hai thiết bị và tính thời gian khi hiệu năng bị sụt giảm để xem bộ xử lý nào có độ ổn định hiệu năng tốt hơn.

Điều thú vị là đầu bài test, GPU Mali-G76 của Exynos 9820 lại là người dẫn trước với số khung hình mỗi giây (số fps) cao hơn hai đối thủ. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian, hiệu năng của Exynos bắt đầu sụt giảm nhanh hơn so với Snapdragon.

Chỉ sau 9 phút, Exynos 9820 bắt đầu sụt giảm hiệu năng đi khoảng 16%. Trong khi đó, Kirin 980 của Huawei với GPU Mali-G76 MP10 nhỏ hơn duy trì được hiệu năng của mình trong vòng 15 phút. Cho dù vậy, sau đó mức sụt giảm hiệu năng của Kirin 980 lại mạnh mẽ hơn, và liên tục trồi sụt không ổn định trong khoảng 55% so với tốc độ khung hình ban đầu của nó.

Trong khi đó, Qualcomm Snapdragon 855 lại duy trì được mức hiệu năng ổn định ở mức cao trong khoảng 19 phút của bài benchmark. Đến thời điểm này, Exynos 9820 lại tiếp tục sụt giảm hiệu năng lần thứ 2. Cả hai kết thúc bài benchmark với hiệu năng khung hình ở mức 28 fps và 26 fps tương ứng.

Tính theo mức độ sụt giảm hiệu năng, mức giảm lớn nhất của Snapdragon 855 là 31% về hiệu năng, với mức sụt giảm trung bình 27%. Ngược lại, Exynos 9820 có mức sụt giảm lớn nhất đến 46%, với mức giảm trung bình đến 37%. Đây là khác biệt rất đáng kể về mặt hiệu năng giữa hai phiên bản chip khi Exynos sẽ bị mất nhiều khung hình hơn đối thủ Snapdragon khi chơi game kéo dài.

Trên hết, điểm số benchmark chỉ là một tiêu chí để đánh giá chung về mặt hiệu năng nhưng chắc chắn nó không nói lên toàn bộ bức tranh. Nếu bạn nhìn vào mức độ ổn định hiệu năng, bạn sẽ thấy một câu chuyện hoàn toàn khác khi so sánh về điểm số benchmark cơ bản.

Cho dù CPU tùy chỉnh của Samsung có điểm số hiệu năng ấn tượng, nhưng việc nhiệt độ tăng cao có nghĩa mức hiệu năng tốt nhất này của thiết bị sẽ chỉ có trong một thời gian giới hạn. Nếu bạn là một game thủ, có lẽ sự lựa chọn tốt hơn sẽ là Snapdragon 855. Không chỉ vì ưu thế của GPU Adreno 640, SoC của Qualcomm cũng cho thấy mức độ ổn định hiệu năng dài lâu hơn con chip đối thủ.

Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.

Hoàng Minh (theo ttvn.vn)