Người dùng phàn nàn Galaxy S10 bản Exynos 9820 bị cạn kiệt pin ở chế độ chờ
Một số người dùng trên thế giới nói rằng chiếc Galaxy S10 của họ bị rút pin khá nhanh, nghi ngờ do CPU chạy ở mức xung cao không nghỉ. Giống như các máy S10 chính hãng ở nước ta, chúng đều dùng chipset Exynos 9820.
Trong các smartphone hiện nay, SoC là một trong những thành phần quan trọng nhất và phức tạp nhất, giống như bộ não chỉ huy. Trong ngành bán dẫn, các công ty như Qualcomm (Snapdragon), Samsung (Exynos), Huawei (Kirin) luôn cố gắng cải thiện con chip của mình từng năm, và một trong số đó là thu nhỏ tiến trình sản xuất. Khi họ khoe khoang về tiến trình chip cải thiện, tức là người ta sản xuất trên tiến trình mới nhỏ hơn. Giúp nhồi nhét nhiều bóng bán dẫn hơn trong khi không phải tăng die size quá lớn, từ đó tiết kiệm năng lượng hơn. Bài toán phức tạp mà các kỹ sư phải giải quyết, là cân bằng giữa sức mạnh xử lý thô của chipset, hàng tá các tính năng liên quan AI với tiêu thụ năng lượng và tỏa nhiệt, nhằm duy trì sức mạnh chip ổn định, trong khi không gây hao pin, nóng máy. Một SoC có thể rất mạnh, điểm benchmark rất cao, nhiều tính năng về AI, nhưng có thể trở thành “thảm họa” nếu không chú ý đến hai yếu tố còn lại.
41.990.000₫
26.990.000₫
Samsung là một hãng hiếm trong ngành di động, khi có thể tự sản xuất nhiều thành phân trong smartphone, bên cạnh việc cung cấp cho các đơn vị khác gồm cả đối thủ Apple. Về chipset, họ thường bán các flagship với hai phiên bản dùng Exynos và Snapdragon tùy thị trường, tại Việt Nam và nhiều nơi khác, Exynos là bản phân phối chính thức. Năm nay, chúng ta có con chip Exynos 9820 trong khi ở Mỹ hay Trung Quốc, đó là Snapdragon 855. Theo một kết quả trước đó đo đạc sức mạnh bằng phần mềm Antutu, dường như Snapdragon 855 năm nay trội hơn Exynos 9820.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, Antutu chỉ là phần mềm đo đạc để tham khảo mà thôi, không nói lên được SoC tốt hơn. Quay trở lại việc cải thiện chip đã nói đến ở trên, trong khi các hãng như Qualcomm và Huawei đều sản xuất chip trên tiến trình 7nm, năm nay bỗng nhiên Samsung tụt lại khi chỉ ở 8nm. Theo hiểu biết chung, nút tiến trình càng thấp thì die size càng giảm, giúp tiết kiệm pin hơn. Chênh chỉ 1nm tiến trình thôi nhưng theo đo đạc từ ChipRebel, die size của Exynos 9820 thực sự khổng lồ khi đặt cạnh Kirin 980 và Snapdragon 855. Chip của Samsung có die size 127 mm2, Kirin 980 là 74 mm2 và Snapdragon 855 là 73 mm2. Rõ ràng lợi thế đang nghiêng về phía SoC của Qualcomm.
Và thực tế đang có một số chủ nhân kêu ca về thời lượng pin của Galaxy S10 trang bị Exynos 9820. Một số bài đăng được PiunikaWeb thu thập như sau:
“Tôi có một chiếc S10E bản chạy Exynos, và tôi đang gặp vấn đề với thời lượng pin. Nếu tôi sử dụng máy nhiều, ví dụ đi du lịch, máy sẽ cho thời gian on-screen là 6 tiếng. Khá tuyệt khi viên pin chỉ có 3100 mAh mà cường độ dùng lại cao. Thế nhưng, khi ở những ngày dùng bình thường mà không sạc, ở chế độ chờ thì máy không thể trụ được đến 3 tiếng”.
Một người dùng khác đăng lên Twitter như sau: Có một vấn đề lớn với các máy S10 chạy Exynos. Sau khi gọi điện VoIP (bằng WhatsApp, WeChat,…) điện thoại sẽ không thể trở về chế độ ngủ sâu, cho đến khi khởi động lại. Điều này ngốn pin kinh khủng.
Trên diễn đàn XDA, một bài đăng cũng đề cập đến việc thời gian chờ sẽ rất nhanh cạn pin, đối với các máy dùng Exynos 9820:
Một số người dùng báo cáo rằng thông qua ứng dụng CPU Spy, cho thấy CPU của điện thoại không thể rơi vào trạng thái ngủ sâu ở chế độ chờ. Một số nguồn tin hữu ích từ người dùng nói rằng có lỗi ở cảm biến tiệm cận. Sau khi gọi điện VoIP (giống như trường hợp ở trên), điện thoại không quay lại chế độ ngủ sâu cho tới khi được khởi động lại. Giải pháp hiện nay chỉ có thể là bạn tự khởi động lại máy sau mỗi lần gọi VoIP mà thôi.
Người dùng có thử theo dõi tình trạng CPU xem liệu nó ngốn pin như nào. Thông qua ứng dụng AccuBattery, họ phát hiện ra CPU không hề nghỉ ngơi kể cả khi máy không hoạt động, ví dụ tắt màn hình. Điều này có vẻ là thủ phạm khiến thời lượng pin thấp, như những lời phàn nàn ở trên. Cùng với đó, XDA báo cáo rằng người dùng ở cả ba bản S10, S10 Plus và S10E đều mắc phải cùng một vấn đề.
Giải pháp khôi phục cài đặt gốc cũng đã được tính đến, tuy nhiên rõ ràng nó không khả thi để dứt điểm vụ này. Tuy nhiên nếu thiết lập lại cài đặt mạng, cài đặt chung,… có thể có hiệu quả. Trong khi không có cách nào hợp lý hơn, một người dùng đề xuất rằng sau khi gọi điện qua một ứng dụng OTT như WhatsApp, Skype,… bạn nên khởi động lại máy, và trước khi đi ngủ lại khởi động lại tiếp để đảm bảo CPU có thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi.
Bạn đọc có thể xem thêm nhiều chủ đề thảo luận tương tự tại đây, đây, và đây.
Cách này có tác dụng với một số trường hợp, nhưng không thể giải quyết triệt để mọi thứ. Một người dùng khác nói anh ta vẫn bị cạn pin nhanh chóng sau một đêm, mặc dù có khởi động lại nhiều lần, hơn nữa anh ta không dùng các ứng dụng liên lạc như kia. Anh ta cho rằng vì cái gì đó đã ngăn cản nên S10E của mình không thể ngủ sâu được, chứ không phải do gọi điện qua ứng dụng.
Còn với người dùng Việt, trên diễn dàn Tinh Tế cũng đã xuất hiện những phàn nàn tương tự. Pin sẽ bị hao hụt bất thường nếu ở chế độ chờ, theo phản ánh của một số thành viên.
Vẫn chưa rõ vấn đề ở đây là gì, nhưng khả năng Samsung vẫn chưa thể tối ưu triệt để chipset mới do chính họ sản xuất. Bản thân Exynos 9820 cũng sản xuất trên tiến trình 8nm với die size lớn, dẫn đến tiết kiệm năng lượng kém hơn so với Snapdragon 855 hay Kirin 980 7nm về lý thuyết. Nếu không may rơi vào số người dùng bị hao pin chế độ chờ, bạn có thể làm theo cách của anh chàng kia, dù chưa chắc có hiệu quả. Hy vọng công ty Hàn Quốc sẽ sớm cải thiện vấn đề này trong tương lai.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo vnreview.vn)