Các nhà sản xuất smartphone Việt Nam đang cố gắng “áp đảo” Samsung
Nikkei cho biết: Các công ty Việt Nam, bao gồm một số công ty mới trong ngành, dự định ra mắt hoặc mở rộng sản xuất smartphone để thách thức những nhà sản xuất ngoại quốc, đặc biệt là Samsung Electronics, hiện đang chi phối thị trường trong nước.
Vingroup, tập đoàn bất động sản lớn nhất tại Việt Nam vừa mới công bố tham vọng sản xuất smartphone bắt đầu từ năm 2018. Trong khi đó nhà sản xuất thiết bị điện tử Asanzo dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 600.000 smartphone trong năm nay, tăng gấp 50 lần so với năm ngoái.
Thị trường di động đang phát triển nhanh chóng, do đó cả hai công ty Việt nói trên sẽ tận dụng tốt cơ hội này để nhảy vào sân chơi smartphone với các kinh nghiệm đã đúc kết được trong suốt thời gian qua khi sản xuất thiết bị gốc.
41.990.000₫
26.990.000₫
Được biết hiện Samsung chiếm gần một nửa thị trường smartphone tại Việt Nam. Nếu muốn cạnh tranh, các công ty trong nước cần phải mạnh tay tiếp thị các mẫu smartphone với giá thành rẻ hơn để hút khách.
Và các công ty VIệt Nam có thể sản xuất được smartphone đều nhờ vào sự hiện diện của Samsung. Samsung đã bắt đầu sản xuất smartphone tại tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam vào năm 2009.
Vingroup gần đây đã thành lập công ty VinSmart với số vốn 131 triệu USD để “bon chen” vào thị trường smartphone. Công ty con mới này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất trong một khu công nghiệp ở Hải Phòng.
Về phía Samsung, hãng đã xây dựng được một trung tâm sản xuất smartphone tại Việt Nam với những nhà cung cấp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nguồn khác nữa. Trong số đó đã bắt đầu cung cấp các bộ phận, linh kiện cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Các công nghệ cần thiết cho việc sản xuất smartphone đang được tích lũy ở Việt Nam, nhất là ngày càng có nhiều kỹ sư tay nghề cao vào làm cho các công ty nội địa.
Thị trường smartphone tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ hàng năm khoảng 10%, doanh thu tăng hơn gấp đôi trong năm 2017 kể từ năm 2014, bán ra được 15 triệu chiếc điện thoại.
OPPO đổ bộ vào thị trường Việt kể từ năm 2012, vượt mặt Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai tại Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm, chủ yếu nhờ vào các tính năng bắt kịp xu thế như camera selfie tiên tiến.
Một nhà sản xuất khác của Trung Quốc là Xiaomi cũng đang nỗ lực mở rộng thị phần tại Việt Nam thông qua việc hợp tác với nhà bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Digiworld.
Quay lại với Vingroup, họ đã công bố quyết định sản xuất ô tô vào tháng 9 năm ngoái và đang xây dựng một nhà máy trong khu công nghiệp. Nhà máy sản xuất smartphone cũng sẽ được đặt bên cạnh nhà máy ô tô.
Đầu tiên, Vingroup sẽ thâm nhập phân khúc smartphone tầm trung, giống như cách mà họ đã làm trong chiến lược bán ô tô, và sau đó chuyển sang các sản phẩm với tính năng cao cấp hơn, ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch của Vingroup chia sẻ. Ông cho rằng công ty con ban đầu sẽ quảng bá cho dòng smartphone giá rẻ.
Vingroup đã hợp tác với một nhà sản xuất smartphone nước ngoài trong một nỗ lực để sản xuất các model gíá tầm trung và rẻ. Ở thời điểm hiện tại, họ cũng sẽ học hỏi công nghệ từ đối tác này, theo các nguồn tin thân cận cho hay.
Còn hãng sản xuất TV Asanzo sẽ chi 200 tỷ đồng (8.73 triệu USD) để đẩy mạnh sản xuất smartphone trong năm nay. Hãng này đã bước vào thị trường di động với hai mẫu điện thoại trong năm 2017, và kể từ đó, họ đã sản xuất tổng cộng 12.000 chiếc điện thoại.
Trong năm nay, Asanzo dự kiến sẽ ra mắt vài mẫu điện thoại mới trong mỗi quý, với kỳ vọng sẽ sản xuất được hơn 600.000 chiếc điện thoại.
Asanzo hiện đang tính đến chuyện ra mắt những mẫu smartphone giá rẻ chỉ vào khoảng 1 triệu đồng, sở hữu các chức năng cơ bản, theo như chủ tịch của công ty, ông Phạm Văn Tam chia sẻ.
Được biết, các mẫu điện thoại của Samsung được bán trong nước với mức giá từ 2.5 triệu đến 25 triệu đồng, trong khi mức giá cho điện thoại iPhone của Apple dao động từ 9 triệu đến 30 triệu đồng.
Asanzo cũng đã đạt được doanh thu 4.62 nghìn tỷ đồng trong năm 2017, khoảng 90% trong số này đến từ việc bán TV. Smartphone chỉ đóng góp được dưới 1% doanh thu, nhưng công ty có kể hoạch nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2020.
Bkav, một công ty phần mềm bảo mật hàng đầu tại Việt Nam, đã bắt đầu tham gia vào thị trường smartphone từ năm 2015 với sản phẩm mang tên Bphone, cách gọi giống với iPhone của Apple. Chiếc smartphone này được quảng cáo thuộc phân khúc cao cấp nhưng giá bán lại thấp hơn khoảng 40% so với chiếc iPhone tại thời điểm đó.
Thị trường smartphone Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây, và ước tính có khoảng 30 triệu đến 40 triệu chiếc smartphone đang được sử dụng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 15 triệu chiếc smartphone tới tay người dùng.
Ngay cả các công ty nổi tiếng cũng gặp phải khó khăn tại Việt Nam, do người tiêu dùng Việt rất kỹ tính khi mua hàng. Điển hình như smartphone Nokia (Phần Lan) hay Sony (Nhật Bản) cũng đều ít phổ biến ở các nước Đông Nam Á.
Tóm lại, tương lai của smartphone thương hiệu Việt sẽ phụ thuộc vào việc liệu họ có thể sản xuất được các sản phẩm giá thành thấp nhưng sở hữu các tính năng bắt kịp xu hướng, và thu hút được được người tiêu dùng thông qua các dịch vụ mạng xã hội và các chiến lược tiếp thị khác hay không.
Mời bạn đăng ký Kênh YouTube của SamNews và tham gia Cộng đồng Yêu Samsung để chia sẻ, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ của Samsung.
Hoàng Minh (theo thegioididong.com)